Kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng

Đoàn rước tượng đức thánh Trần Hưng Đạo trong Lễ hội Bạch Đằng. Ảnh: báo Quảng Ninh
Cuộc Đại thắng giặc Nguyên Mông
năm 1288 trên sông Bạch Đằng đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một biểu
tượng hào hùng, ý chí quật cường, tinh thần bách chiến bách thắng về sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân. Di tích quốc gia đặc biệt này mang giá trị
nổi bật về lịch sử quân sự, văn hóa và giáo dục.
Năm 1953, khi đào đất đắp đê, người dân
huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh (nay là Thị xã Quảng Yên) đã phát hiện
ra bãi cọc Yên Giang. Bãi cọc hiện còn hàng trăm cọc, một số được cắm
thẳng đứng, đa số nằm chếch theo hướng đông 15 độ và được làm bằng gỗ
lim, táu.
Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học
Việt Nam, người nhiều năm nghiên cứu khảo cổ khu vực này khẳng định,
việc phát hiện thêm bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009 giúp chúng ta hiểu hơn
chiến lược chiến thuật tài tình của Trần Hưng Đạo. “Trần Hưng Đạo đã
cắm cọc vào những chỗ cốt tử nhất, vì thế khi khảo sát chúng ta đã phát
hiện ra những bãi cọc cắm với mục đích thu hẹp dòng sông cản thuyền của
giặc chạy, đồng thời cắm zích zắc các cụm cọc rất phức tạp như hướng cọc
đan nhau, cắm cọc nhỏ đan vào dưới chân khiến địch phải lội vào đầm lầy
sâu đến hàng mét”.
Đền thờ Trần Hưng Đạo xưa là nơi ông đã
dừng chân khi chuẩn bị chiến trường, hiện đền vẫn còn giữ lại được một
số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo đối với giang sơn
đất Việt. Ngay bên cạnh đền là miếu Vua Bà, tương truyền, trong chuyến
thị sát chuẩn bị chiến trường, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một cụ bà
bán nước, người đã cung cấp cho ông lịch triều con nước, địa thế dòng
sông và bày chiến thuật hoả công. Sau khi thắng trận, quay lại tìm bà cụ
không thấy, Trần Hưng Đạo đã xin vua Trần phong sắc cho bà là “Vua Bà”
và lập đền thờ tại đây. Quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng
gồm 11 di tích có ý nghĩa nổi bật về lịch sử, văn hóa và giáo dục.
(Theo vtv.vn)