Năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp (tại Võng La, Đông Anh, Hà
Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương)
do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp khởi thảo. Sự ra đời của
Đề cương là một sự kiện hết sức đặc biệt và mới mẻ trong bối cảnh lúc
đó: đất nước ta chưa giành được độc lập, dân tộc ta chưa có tự do. Đề
cương về văn hóa Việt Nam chính là bản cương lĩnh văn hóa của Đảng ta
trong cách mạng giải phóng dân tộc, là phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo
công tác văn hóa văn nghệ trong quá trình đấu tranh giành và bảo vệ
chính quyền cách mạng, thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
xâm lược và cả sau này của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu
tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước. Trong hoàn cảnh bấy giờ, mặc dù Đề cương mới chỉ khái niệm và đặt
vấn đề về phạm vi của văn hóa "bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ
thuật" (những vấn đề cơ bản trong đời sống tinh thần xã hội), nhưng đã
xác định rõ văn hóa là một trong ba mặt trận bên cạnh mặt trận kinh tế,
mặt trận chính trị và "ở đó người cộng sản phải hoạt động".
 |
Ý nghĩa và giá trị to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943
không chỉ công khai rõ ràng quan điểm, nhận thức và những hoạt động của
Đảng ta về văn hóa văn nghệ. Đề cương còn thể hiện sự kế thừa sâu sắc và
phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi của nền văn hóa dân tộc. Khi
đề ra ba nguyên tắc của sự vận động (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa
học hóa) và đề ra tính chất dân tộc của nền văn hóa mới Việt Nam, Đề
cương đã đặc biệt quan tâm chú ý đến giá trị truyền thống của văn hóa
dân tộc.
Sau này, thực dân Pháp đã thực thi những chính sách cực kỳ thâm độc và
nguy hại. Chúng dùng bất cứ hình thức, bất cứ phương tiện nào để đánh
lạc hướng người dân Việt Nam ra khỏi con đường cứu nước của Đảng, của
Mặt trận Việt Minh. Phát xít Nhật thì lợi dụng văn hóa với nhiều hình
thức, phương tiện, tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á của chúng. Với
chiêu bài "đồng chủng, đồng văn" chúng dễ dàng đánh lừa nhiều người dân,
nhiều trí thức. Trước bối cảnh như vậy, việc Đảng ta cho công bố Đề
cương về văn hóa Việt Nam, đã góp phần vạch rõ âm mưu, thủ đoạn nô dịch
văn hóa của thực dân Pháp, phát xít Nhật, vạch rõ bản chất phản động,
hèn nhát của lũ tay sai hòng "bán nước, cầu vinh". Đề cương đã thẳng
thắn lột mặt nạ lũ giặc xâm lược và tay sai với những luận điệu mỵ dân
dối trá. Từ đó, Đề cương đã góp phần để những ai còn mơ hồ, ảo tưởng
nhận thức đúng bản chất vấn đề. Lúc này, cũng là lúc Đảng ta xây dựng
được cơ sở trong một số trí thức, văn nghệ sỹ, trong các tổ chức hướng
đạo sinh, truyền bá quốc ngữ… Trong năm 1943, Hội Văn hóa cứu quốc được
thành lập và từng bước phát triển, Hội đã trở thành tổ chức trung tâm
tập hợp văn nghệ sỹ, trí thức tham gia cách mạng. Đề cương về văn hóa
Việt Nam của Đảng ta đã là một cẩm nang quý báu để các chiến sỹ trên mặt
trận văn hóa tư tưởng của Đảng đối chiếu, thực hiện.
Đồng chí Vũ Quốc Uy, một trong những thành viên đầu tiên sáng lập Hội
Văn hóa cứu quốc nhớ lại: "Đề cương đến với chúng tôi khác nào phép mầu,
cho phép chúng tôi từ những mảnh rời rạc chắp lại thành một mô hình
trọn vẹn. Kiến thức của chúng tôi vừa thêm chiều sâu, vừa được hệ thống
hóa lại. Trước mắt chúng tôi như đã được vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh
về tiền đồ văn hóa Việt Nam, về cái nền văn hóa mà toàn dân phải xây
dựng. Chúng tôi quả thật đã "sáng mắt, sáng lòng" hơn". Nhà văn Học Phi,
cũng là một sáng lập viên của Hội Văn hóa cứu quốc cho rằng: "Điều làm
tôi thấm nhất trong bản Đề cương là khẩu hiệu "Dân tộc hóa" đứng trước
hai khẩu hiệu "Đại chúng hóa" và "Khoa học hóa"… Vì hiểu đấu tranh giai
cấp một cách cứng nhắc, nên chúng tôi quan niệm không đúng về danh từ
"dân tộc"… Câu nói không có gì mới lạ nhưng hai tiếng "dân tộc" đã dội
vào lòng tôi như một tiếng vang sâu rộng".
Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nền văn
hóa dân tộc ta đã luôn thể hiện được sức sống mãnh liệt của bản sắc
Việt, trong quá trình hình thành và phát triển không ngừng. Từ trong
lịch sử, cha ông ta dù chưa có được một ý thức tự giác, nhưng bằng sự
khoan dung của mình, đã sớm chấp nhận sự đa dạng trong nền văn hóa dân
tộc. Song song với cuộc chiến đấu chống sự đồng hóa văn hóa của ngoại
bang, văn hóa Việt vẫn luôn không ngừng phát triển trên cơ sở: vừa kế
thừa những giá trị cốt lõi truyền thống, từ các thế hệ đi trước được
trao truyền lại cho thế hệ sau, nhưng văn hóa Việt cũng vừa không khép
mình, bảo thủ trong quá trình giao lưu và tiếp biến với các nền văn hóa
các dân tộc khác. Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đã tiếp nối và khẳng
định tính chất dân tộc về hình thức và "tân dân chủ về nội dung". Đồng
chí Trường Chinh đã tiên đoán "Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng
dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn
hóa tân dân chủ thế giới". Đây là lời tiên đoán đúng quy luật, phù hợp,
kế thừa được truyền thống văn hóa dân tộc. Ngày nay, trong quá trình hội
nhập các nền kinh tế và xu hướng toàn cầu hóa, thì sự "đa dạng văn hóa"
là một tất yếu phát triển khách quan trong nền văn hóa chung nhân loại.
Bảy mươi năm đã trôi qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng đã đi
sâu vào cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tham gia
đắc lực và góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, tạo nên
những bước biến đổi hết sức lớn lao, hết sức sâu sắc trên đất nước ta
và đang tiếp tục được khẳng định trong công cuộc đổi mới, trong giai
đoạn mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng toàn
cầu hóa hôm nay. Ý nghĩa và thành công của Đề cương về văn hóa Việt Nam
năm 1943 của Đảng ta có nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên
nhân sâu xa là: Đề cương đã kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc ta
trong lịch sử dựng nước và giữ nước.