'Bây giờ người ta không khuyến khích đọc sách nữa'
Trong cuộc họp báo về Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013, bà Nguyễn Thị
Thanh Mai - Vụ trưởng vụ Thư viện cho biết kết quả một cuộc thống kê
gần đây của bộ VH-TT&DL cho thấy, so với các nước trong khu vực, tỉ
lệ đọc sách của người Việt Nam khá thấp. Người Việt đọc trung bình 0,8
cuốn sách/người/năm (tức là chưa được một cuốn sách). Tỉ lệ sách bình
quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn.
PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết về vấn đề này.
Con số 0,8 cuốn sách/người/năm nói lên điều gì, thưa ông?
Đó là hậu quả kép của việc không tuyên truyền, giáo dục được một nề
nếp đọc sách của giới trẻ. Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi đã thấy những người
phu xe đạp xe thồ, xích lô luôn có sẵn báo ở trên tay. Cứ không có
khách là họ ngồi đọc, đó là hình ảnh đẹp thể hiện văn hóa đọc. Rồi thời
đi học, chúng tôi hăm hở mày mò, tìm mọi cuốn sách để đọc, hết vào thư
viện rồi ra hiệu sách. Bây giờ người ta không dạy và không khuyến khích
đọc nữa.
Tại sao ông lại cho rằng bây giờ người ta không khuyến khích đọc?
Thầy cô giáo chủ yếu dạy vẹt, kiểu giáo dục này bắt nguồn từ rất lâu
và giờ đã ngấm rất sâu. Để lên lớp, học sinh chỉ cần học thuộc những gì
thầy cô giáo đọc cho chép. Học cao hơn thì người học không cần đọc sách
mà chỉ cần thuộc những câu trong giáo trình. Như thế người học không có
văn hóa đọc. Đọc để làm gì khi nó chẳng dùng vào việc gì?
Vậy thực trạng này bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
Không ít lãnh đạo được giáo dục trong một môi trường… “nhồi sọ”, ra
trường làm quản lý cũng rất lười đọc thì làm sao yêu cầu được thanh
niên, học sinh, sinh viên ham đọc sách? Nhiều khi tôi thấy họ dùng sách
chỉ để trưng diện, trang trí. Đây là thực trạng cần công kích và phê
phán. Thực trạng này cũng có "thâm niên" rồi.
Tôi thời trẻ thường được "nhắc nhở" không nên đọc nhiều, ham đọc sẽ bị
kỳ thị: đọc là sách vở, lý thuyết. Nhưng không tôn trọng lý thuyết,
không tôn trọng sách vở là một di họa kéo dài. Nền giáo dục không chú
trọng mở rộng trí thức, mở rộng tầm nhìn, dần dần giới trẻ không có nhu
cầu tìm trong sách những giá trị văn hóa và đạo đức để hoàn thiện bản
thân nữa.
Bên cạnh đó, với đồng lương hiện nay của công nhân và học bổng của
sinh viên thì họ không có đủ tiền để sống nói gì đến chuyện mua sách để
đọc. Đây là một cái vòng luẩn quẩn. Không đọc sách không thể nâng cao
dân trí, không thể nâng cao dân trí thì không có khả năng cải thiện cuộc
sống, không có khả năng cải thiện cuộc sống thì không mua được sách.
Ngoài ra, một lý do lớn nữa ở đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Một bộ phận
nhỏ lãnh đạo có vấn đề về nhân cách và văn hóa trong khi đại bộ phận
người lao động lương không đủ sống thì hơi đâu người ta vào thư viện đọc
sách? Lãnh đạo được trả lương để làm hai việc. Một là để phục vụ xã hội
chứ không phải như một số người làm “cha xã hội” như hiện nay và hai là
trở thành mẫu mực cho người dân vì họ là những người chi phối toàn xã
hội theo lối sống của mình. Nhưng thực chất có phải ai cũng làm được như
vậy...
Theo ông, có cách nào để khắc phục tình trạng này không?
Sự suy thoái về văn hóa đọc là một nỗi lo lớn mà bây giờ phải cố gắng
khắc phục. Đi sang các nước, tôi thèm cái không khí đọc của họ, lên
metro họ mở sách ra đọc, trên xe bus hoặc tàu hỏa cũng thế. Xã hội mình
đã có một thời kỳ cố gắng xây dựng nề nếp đọc sách nhưng sau này không
hiểu sao lại dần dần loại bỏ. Đây là điều không may và không hay.
GS Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết
Trước tiên, cần thay đổi lối dạy… “nhồi sọ”. Cách dạy này làm mất đi
thói quen tư duy, sáng tạo của mỗi học sinh trong khi giáo dục và văn
hóa cần khuyến khích sáng tạo và phê phán. Phê phán là so sánh để biết
đúng sai, tốt xấu nhưng ở ta lại không khuyến khích phê phán mà chỉ
khuyến khích vâng lời từ trên xuống, điều này khó cho lối sinh hoạt trí
tuệ.
Để tạo ra một thói quen đọc sách cho giới trẻ rất công phu, cần bắt
đầu từ gia đình. Một gia đình phải được đảm bảo cuộc sống, bên cạnh cơm
áo gạo tiền có đủ khả năng mua sách. Đơn cử như chính sách lương hiện
nay khó có thể khiến người ta ham đọc sách. Nếu từ nhỏ không có thói
quen thì lớn lên khó có người nào vào thư viện, con người luôn chọn
những cái tối ưu, đỡ vất vả.
Thứ nữa, thư viện của Việt Nam quá ít mà lại có một quy chế không
thuận cho người đọc. Thư viện làm việc trong giờ hành chính, chủ nhật
lại đóng cửa. Các thư viện nhỏ của các cơ quan nghiên cứu cũng làm việc
hành chính, như ở nước ngoài, họ mở cửa kéo dài cho đến 9h tối.
Bên cạnh đó, ở ta có những thói xấu ấu trĩ còn di hại, nhiều nơi chưa
tôn trọng những giá trị văn hóa. Chính sách với trí thức nhiều khi chưa
được tốt. Tôi cho rằng cần "Bái trí vi sư", tôn trọng những người trí
thức, tôn họ lên làm thầy, câu này tôi lấy ý của Phan Bội Châu là "Bái
thạch vi huynh".
Và đặc biệt, đội ngũ cán bộ công chức phải trở thành một lớp người có văn hóa.
Xin cảm ơn ông!
(Theo nguoiduatin.vn)