Người ta thường nói “nhân vô thập
toàn” con người không ai vẹn toàn, không có khuyết điểm, chỉ có hai hạng
người là đứa trẻ con trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài là
không mắc khuyết điểm mà thôi. Tuy nhiên, khi có lỗi, con người biết
nhìn nhận, tiếp thu, sớm thấy được khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa
chữa, đó là cách mà mỗi chúng ta tự hoàn thiện chính mình để sống, làm
việc có ích cho xã hội.
Hơn nữa, trước đây, một nét văn hóa,
nói đúng hơn là một thói quen rất đơn giản tưởng như ai cũng có thể làm
được, là nói "cảm ơn", "xin lỗi" lại còn khá xa lạ, nó như một món hàng
xa xỉ của đa số người Việt Nam, đặc biệt là các vị lãnh đao.
Tuy nhiên, chỉ trong một vòng một năm
trở lại đây, người dân đã liên tiếp được nghe, được chứng kiến lời xin
lỗi của những người có chức vụ lãnh đạo ở Trung ương và địa phương.
Nhiều người đánh giá đây là thái độ tích cực, thậm chí là những biểu
hiện của văn hóa hành chính Nhà nước hay văn hóa lãnh đạo. Sự thay đổi
này được dự báo sẽ đem lại một làn gió tích cực trong chính trường Việt
Nam, góp phần khiến cho người dân tăng thêm niềm tin, sự tín nhiệm vào
bộ máy công quyền.
Bộ trưởng là người đứng đầu và lãnh
đạo một bộ, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh
vực mà mình phụ trách trong phạm vi cả nước. Ở Việt Nam, một người giữ
trọng trách lớn như vậy trong quan điểm của người dân sẽ có lòng tự
trọng rất cao và khó có thể xin lỗi trước đông đảo dân chúng. Tuy
nhiên, sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giúp người
dân thay đổi hẳn quan niệm nêu trên. Ông Đinh La Thăng là người từng có
nhiều lời xin lỗi nhất trong các bộ trưởng ở Chính phủ khóa 2011-2016.
Ngày 3/4/2012, Bộ trưởng Thăng đưa ra
lời xin lỗi người đi ô tô: “Tôi hoàn toàn chia sẻ và thành thật xin lỗi
những người đi ô tô, tôi không nói đi ô tô là giàu, nhưng đỡ nghèo hơn
những người không đi ô tô”. Cũng trong tháng 4, ngày 24, ông nói lời xin
lỗi người dân tại phiên điều trần của Ủy ban Pháp luật Quốc hội: “Tôi
thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT xin nhận lỗi trước nhân dân về tình trạng tiến
độ công trình chậm, chất lượng công trình chưa đảm bảo theo yêu cầu”….
Tháng 8/2012, trong một cuộc họp cuối
tuần với Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã xin lỗi lãnh đạo UBND
TP. Lời xin lỗi của vị trưởng ngành đối với địa phương đưa ra, như ông
nói, do kết luận thanh tra của bộ này xung quanh việc quản lý lòng
đường, trong đó có kết luận thất thoát 20 tỷ đồng/năm của Hà Nội là
“chưa có bàn thảo thống nhất với Sở GTVT Hà Nội”. Cùng lời xin lỗi, ông
hứa "sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc".
 |
Bộn trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng là người từng có nhiều lời xin lỗi nhất trong các bộ trưởng ở Chính phủ khóa 2011-2016. |
Nhưng không phải đến giờ mới có một bộ
trưởng nói câu “xin lỗi”. Trước đây, trong một số kỳ họp Quốc hội hoặc
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc các buổi đối thoại trực tuyến…đã có
thành viên Chính phủ nói lời “xin lỗi” khi có một nhiệm vụ, một công
việc chưa tốt trong ngành.
Ngày 7/4/2012, tại cuộc đối thoại trực
tuyến với người dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Tài
nguyên - Môi trường đã nhận lỗi về tình trạng quản lý, để mất “phôi” sổ
đỏ khi nhận được một câu hỏi của người dân về chuyện này.
Không chỉ có Bộ trưởng, việc người
đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng khiến công chúng bất ngờ khi lần đầu
tiên nhận lỗi và gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dân mà đại diện là
Quốc Hội. Sáng 22/10/2012, Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội
trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm
và xin lỗi về những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ.
Theo đó, tập thể Ban cán sự Đảng các
bộ và từng thành viên Chính phủ đã “thành khẩn nhìn nhận những yếu kém,
khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra bài học thấm thía, sâu sắc
nhất” trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trong toàn bộ quá
trình công tác. “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, tôi
nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ
và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về
tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý,
điều hành”, Thủ tướng nói.
Trong số những khuyết điểm, yếu kém
nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề
trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty
Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến các đơn vị này sản
xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả
nghiêm trọng về nhiều mặt.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dung xin lỗi trước Quốc hội |
Và mới đây nhất cũng là biểu hiện tích
cực nhất của văn hóa công quyền chính là việc trong ngày 25/3/2012, Hội
nghị triển khai chỉ thị 18 của Ban Bí thư về 'tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ,
đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông' đã diễn
ra. Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến
Thắng, đã xin nhận kỷ luật trước Chính phủ.
“Khánh Hòa là địa phương dẫn đầu cả
nước về cả ba tiêu chí tăng số vụ tai nạn, tăng số người chết, tăng số
người bị thương. Riêng số vụ tai nạn nghiêm trọng ở Khánh Hòa trong thời
gian qua cũng rất lớn. Tôi xin nhận kỷ luật trước Chính phủ” - ông
Thắng nói.
Sự việc này được xem là tiền đề cho
một văn hóa mới chắc chắn sẽ phát triển sắp tới chính là văn hóa từ
chức, khiến người dân kỳ vọng nhiều hơn vào những quyết định đúng đắn và
hành động có trách nhiệm hơn của các vị lãnh đạo.
Chắc có lẽ nhiều người cho rằng lời
cảm ơn, lời xin lỗi chỉ đơn giản là câu nói cửa miệng của đa số người
nước ngoài. Từ những chuyện lớn đến chuyện nhỏ, khi cần hỏi ai đó một
điều gì, họ đều "xin lỗi" và sau khi nhận được câu trả lời thì họ nói
"cảm ơn". Tuy nhiên, ở Việt Nam chuyện này lại hoàn toàn khác, đặc biệt
là với những lãnh đạo thành công, nắm trong tay quyền lực lớn thì việc
xin lỗi hẳn là không dễ.
Vì vậy, có thể nói đã có sự phát triển
mạnh mẽ của văn hóa xin lỗi ở nước ta hiện nay. Điều này chúng ta không
chỉ bắt gặp trong những cuộc sống hàng ngày mà còn phát triển trở thành
xu hướng trong giới lãnh đạo. Những lời xin lỗi đúng lúc, kịp thời, có
trách nhiệm và có khả năng khắc phục được những lỗi lầm do mình gây ra
thì có thể tức thời làm “dịu” đi những cơn đau, nỗi niềm và cả sự tức
giận; nó hàn gắn những vết thương, hóa giải sự hiểu lầm.
Và Việt Nam quả thật là đất nước hạnh
phúc, giàu văn hóa khi trong bộ máy lãnh đạo luôn luôn có những người
sẵn sàng làm việc hết mình, dám nhìn nhận vấn đề, sẵn sàng sửa sai hay
xin lỗi nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội nước nhà.
(Theo phunutoday.vn)