Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 25/04/2013 08:33
Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Từ Quảng Nam về Buôn Ma Thuột
Tất cả anh chị em nhà báo trong đội Võ trang tuyên truyền đều tỏa đi các hướng. Tôi là Trưởng đoàn phải cùng với ủy ban quân quản lo việc tiếp thu các nơi vừa giải phóng. Năm ngàn lá cờ Mặt trận cỡ nhỏ, bốn trăm lá cờ bằng sải tay chúng tôi mang theo đã được phân phối đi khắp nơi, cờ đỏ, các gia đình, cửa hiệu rợp trời. Nhà nhà đã mở cửa treo cờ, trào nước mắt sướng vui đón chào quân Giải phóng.
Từ các phố Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, các ngõ 5, ngõ 6, từ ấp Một, ấp Tám, nhân dân đổ ra đường đón chào chính quyền cách mạng. Đại tá Y Blốc Ê Ban, sau hai mươi năm đi đánh giặc nay trở về thị xã quê hương trong tiếng reo mừng của đồng bào, trong vòng tay thắm thiết nhớ thương của các gia đình cơ sở cũ.

Tôi đến các trường trung học Bồ Đề, trung học Tổng hợp, trường Sư phạm, trường Kỹ thuật, trường Quang Trung, trường Nguyễn Du, Lam Sơn, đã thấy giáo viên, học sinh tấp nập vui như ngày hội. Đông đảo học sinh các trường trung học cùng bà con dân phố các cấp đi quét dọn đường phố, xóa hết những di tích văn hóa nô dịch, lùng bắt ác ôn ngoan cố còn phá rối. Tại trường Bồ Đề, hàng nghìn sĩ quan binh lính nhân viên bộ máy ngụy quyền lần lượt ra trình diện. Tôi được anh Năm Vinh và anh Nguyễn Quang Chính phân công đứng ra giải thích những điều thắc mắc của trên 300 giáo viên các trường trong tỉnh. Đây là tầng lớp trí thức địa phương cần tranh thủ sự ủng hộ trước tiên để ổn định tình hình.

Các chợ trong thị xã im lìm đóng cửa, bỏ sạp, hôm sau nhộn nhịp đông vui. Ở đường Lý Thường Kiệt, một trong những phố sầm uất của thị xã, các cửa hiệu Thiên Đường, Quang Trung, Chuột Trắng, Tân Tiến, Hương Giang người qua kẻ lại nô nức mua bán và thăm hỏi anh chị em từ chiến khu trở về giải phóng thị xã (nay là TP.Buôn Ma Thuột).

Trên các nẻo đường Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thái Học đồng bào các dân tộc, Hoa kiều, ngoại kiều sau mấy ngày tạm lánh về các đồn điền cao su, cà phê ngoại vi, sáng nay vui vẻ trở về...

...Đêm đêm tôi ngồi viết phóng sự: Điệån chưa có, sau năm ngày mới chữa được. Ngày hôm qua địch cho máy bay bắn phá Buôn Păn Pơ Lăm, chiếc đài vô tuyến của chúng tôi bị hỏng, bom dội gần rung lên tôi và đồng chí Phạm Nhớ - Phó ban Tuyên huấn Khu ủy bị bom vùi suýt chết, nên bài vở không đánh về Đài Giải phóng được. Anh em ở nhà vẫn ở rừng Trà My Quảng Nam, tưởng chúng tôi đã hy sinh, nghe kể lại, nhiều phóng viên đã khóc.

Ngày nào nơi trụ sở của ban quân quản cũng vui, đồng bào các nơi đưa bánh mứt, kẹo, gạo nếp, đường về cho các nhà báo Giải phóng ăn Tết mừng chiến thắng.
Qua Đài Giải phóng: Trật tự an ninh đã thật sự trở lại trong thị xã mới giải phóng. Đây là thị xã thứ ba được giải phóng sau Quảng Trị 1972, sau Phước Long 1975, nhưng Quảng Trị chỉ còn đống tro tàn, Phước Long là một tỉnh lỵ xa vắng ít mở mang, còn đây là thủ phủ của vùng Tây nguyên sáu tỉnh cao nguyên miền Trung sầm uất. Thị xã Buôn Ma Thuột vẫn còn nguyên vẹn, trừ các căn cứ quân sự pháo binh ta bắn rất chính xác. Hơn ba mươi năm trời tôi mới trở lại đây. Trong kháng chiến chống Pháp tôi ở đại đội Độc Lập hoạt động địch hậu, phụ trách một đội vũ trang tuyên truyền gần thị xã. Cảnh cũ người xưa thay sắc, đổi màu quá đỗi, nạn ma túy, xì ke cao bồi, đĩ điếm đầy rẫy... Các em chạy theo chúng tôi xin bài hát cách mạng và vuốt ve trìu mến, chứ không phải như những ngày qua bọn tâm lý chiến đã nhồi nhét cho các em hình ảnh người cách mạng sắt máu nữa. Chúng tôi đang ở giữa thị xã lớn của Tây nguyên tự do tại nhà nghỉ của Bảo Đại vua bù nhìn, một lâu đài đẹp đẽ kiến trúc kiểu nhà sàn Tây nguyên - thế mà Sài Gòn vẫn leo lẻo “thị xã này vẫn chưa lọt vào tay Cộng sản”. Một em nhỏ ở trường tiểu học Alêa, em Y Đơn đem đến cho chúng tôi một xâu chim mía rồi sờ soạng chúng tôi và nói bằng tiếng Ê Đê: “Sao chú lại hiền lành thế này”, “Thế sao bọn trên đồn nói các chú là ăn thịt trẻ con”.

Các em thiếu nhi vui lắm, suốt ngày quây quần bên các anh Giải phóng đòi dạy bài hát, các em đưa đường xách túi cho đồng bào đi tản cư trở về buôn làng, phố cũ. Các chị, các mẹ thổi cơm, khâu vá, đang ổn định cuộc sống lành mạnh và đầy màu sắc dân tộc hơn xưa.


Mừng Tây nguyên giải phóng năm 1975
Ảnh tư liệu

Sau giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi vào Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng, từ ấy đến nay đã 38 mùa xuân cháy bỏng, bỗng dưng hôm nay nhớ lại các bạn nhà báo trong Đội võ trang tuyên truyền Khu Trung Trung bộ đã góp sức trẻ của mình cho chiến thắng lịch sử năm xưa. Tôi nhớ đến Lệ Thu, Triệu Xuân, Thắng Lộc, Nguyễn Khắc Phục... những nhà văn, nhà báo tài hoa, đồng lòng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; nhớ B.H - cô công nhân ngành in, cô gái Bắc Hà xinh đẹp và dũng cảm, hình ảnh tuyệt đẹp của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến phương Nam.Giờ đây, thành phố Buôn Ma Thuột đã bừng sáng, trở thành một thành phố lớn của Tây nguyên. Những vườn cà phê mùa này hoa nở trắng ngần. Những nông trường đầy ắp hoa, trái, những vườn hoa quả, đồi chè xanh um đang vào vụ thu hoạch nhộn nhịp, 38 mùa xuân qua cả một vùng non nước đẹp tươi ngày một thấy đã đổi mới.

Bến Nghé, tháng 4-2013

ĐOÀN MINH TUẤN (Phóng viên chiến trường Khu 5 cũ)

 


(Theo congan.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)