Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 25/04/2013 09:01
Văn chương thời thắt lưng buộc bụng
Thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Nhạc nhẹ trầm lắng, liveshow tính trên đầu ngón tay, album rơi vào quên lãng. Phòng tranh triển lãm vắng hiu hắt, ít người lai vãng. Sân khấu không đỏ đèn thành chùa Bà Đanh, khách chẳng ngó ngàng đến rạp. Rõ nhất là người nội trợ tần ngần, do dự mỗi lần móc ví trả tiền mua hàng... Các "bố già" ở Italia cũng tinh giảm biên chế, những tên tội phạm buôn ma túy cấp thấp chỉ được trả tiền theo giờ; trước đây các "bố già" trong tù vẫn được trả lương thì bây giờ... khóa sổ. Đến mafia cũng thắt lưng buộc bụng huống gì văn chương?

Thuở sinh thời Tiên sinh Tản Đà nhắm rượu suông và luôn xin ứng trước tiền nhuận bút, đã ngậm ngùi ai oán: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo/ Kiếm được đồng lãi thực rất khó".

Năm 1940, nhà văn Nguyễn Vỹ làm bài thơ "Gửi Trương Tửu": "Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút nói văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi, thương cho anh/ Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!". Đời sống xã hội lầm than đến thế nên Vũ Trọng Phụng thức đêm thức hôm viết đến ho lao cũng bởi lao lực để trả nợ, ông "vừa làm thư ký một nhà buôn, vừa viết truyện mà không tài nào giật gấu vá vai nuôi được bà mẹ". Đấy thực là một thời đói kém bạc mặt chứ không còn là "thời thắt lưng buộc bụng" nữa. Nhà văn nuôi thân và nuôi người thân chẳng nổi, còn mấy ai nghĩ đến chuyện lập thân lập danh?

Viết đến đây tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Tùy Viên (Viên Mai): "Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/ Lập danh tối tiểu thị văn chương". Diễn nghĩa là: Mỗi bữa (ăn, uống) chẳng bao giờ quên ngẫm nghĩ sách vở (tất nhiên chỉ là sách thánh hiền). Làm trai mà chọn lập danh bằng văn chương thì chỉ là lối đi nhỏ hẹp thôi. Sinh thời Phan Bội Châu trích dịch câu sau chẳng biết vô tình hay cố ý lại thành: "Lập thân tối hạ thị văn chương". Diễn nghĩa là: Lập thân bằng văn chương chỉ là hạ đẳng, chẳng biết làm gì nên trò trống mới lập thân bằng văn chương. Thời ấy, văn chương không bán mua để nuôi nổi thân người, mà cũng chẳng giúp người ta làm quan hay trở thành anh hùng thiên hạ. Đến người làm nghề ca hát còn bị coi là… xướng ca vô loài.

Là sách mới và được giảm giá tới 50%, song lượng độc giả tìm đến vẫn rất hạn chế.

Tác giả làm ra tác phẩm, còn tác phẩm làm nên nhà văn, nhưng nhà văn sống được hay không còn do bạn đọc, bạn đọc khước từ tác phẩm thì tác giả… treo niêu. Danh họa Van Gogh sinh thời sống trong nghèo túng, kiệt tác "Hoa Diên Vĩ" chẳng ai mua, chỉ sau khi ông chết nhiều năm người ta mới biết giá trị của bức vẽ và gần đây đạt kỉ lục đấu giá gần 54 triệu USD. Với số tiền này, nếu như ông còn sống chắc sẽ một đời đế vương và chữa khỏi được bệnh tâm thần, chẳng đến nỗi phải cắt tai mình. Nhưng, đó còn là câu chuyện khác - câu chuyện tư duy mỹ học tác giả đi trước thời đại, chứ không đơn thuần chuyện người ta cần ăn bánh mì, ăn súp, uống rượu wytky trước rồi mới ngắm hoa tu líp và thưởng thức "Hoa diên vĩ".

"Cơm áo không đùa với khách thơ", thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì mưu sinh cơm áo gạo tiền không chừa một ai. Nhà đất đóng băng, ôtô giảm giá nhiều lần vẫn ế, đi đâu cũng thấy doanh nghiệp hàng tồn kho ế chỏng ế chơ và nhà nhà… cắt giảm chi tiêu, thì văn chương "thời thắt lưng buộc bụng" cũng… ế sưng ế sỉa. Một khi "đói ăn đầu gối phải bò" thì cái mặt không thể ngẩng cao, cái lưng không thể đứng thẳng, cái người ta quan tâm phải là cái khác tư lợi hơn là văn chương. Vả lại "Dân vĩ thực vi thiên/ Thực dĩ an vi thiên", dân lấy cái ăn là trời, sự ăn lấy cái lành là trời; còn phải mưu sinh và đời sống lúc nào cũng bất ổn thì nói gì đến thụ hưởng văn hóa tinh thần.

Thời nhà Lê, đất nước thịnh trị đến mức thành ca dao ngợi ca không tiếc lời: "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn". Múa hát rộn ràng từ cung đình đến hang cùng ngõ hẻm, thịnh trị nhất là thời Lê Thánh Tông mới sinh ra Tao đàn Nhị Thập Bát Tú tập hợp 28 vị nguyên súy ngâm vịnh. Thơ văn làm ra là để thù tạc, nói cái chí của người quân tử, thơ để cho tặng chứ không bán mua. "…thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn" nên văn chương mới có giá. Một người biết chữ Hán và biết luật thơ Đường đã là danh giá trong làng trong tổng, được người đời nể trọng, đến lý hào kì mục cũng phải nể sợ.

Thời bao cấp rõ ràng nghèo hơn bây giờ nhiều, nhưng người ta vẫn chăm đọc sách bởi họ vừa lòng với cuộc sống. Bây giờ đã có xe máy còn muốn có ôtô, có căn hộ còn muốn có căn hộ cao cấp, nhà liền kề, biệt thự, muốn đến vũ trường, đi du lịch, muốn ăn ngon mặc đẹp,… có nghĩa là nhu cầu sống ngày càng cao. Ở bộ phận này, thắt lưng buộc bụng là để làm giàu chứ không phải là đói nghèo phải tiết kiệm. Vì thế, đã có tiền phải có nhiều tiền hơn, đã giàu thì phải giàu hơn; cả xã hội nhao ra đường kiếm tiền và thụ hưởng thực dụng hơn. Ai thắt lưng buộc bụng cứ thắt! Ai nới vòng bụng to hơn để dễ rút hầu bao tiêu tiền cứ mở. Các bác uyên thâm, tinh tế, tư tưởng lớn tìm đọc "Triết học Hêghen", tiểu thuyết hàng ngàn trang "Chiến tranh và hòa bình", "Sông Đông êm đềm"…; còn em, em phải dành tiền mua sữa Hà Lan cho con, mua thực phẩm chức năng Herbalife, mua nước hoa Lacome… và xem phim truyện Hàn Quốc với câu chuyện tình đèm đẹp, diễn viên xinh xinh, chàng không ung thư thì nàng cũng bị bệnh máu trắng, chia ly, tan rồi hợp… Thời gian đâu mà đọc sách văn chương, hoặc nếu đọc thì tìm tiểu thuyết diễm tình yêu đương tươi trẻ dịu dàng, hay truyện hài hước nhẹ nhàng… để dỗ giấc ngủ.

Còn tầng lớp lao động lam lũ, ra chợ phải kì kèo thêm bớt một vài nghìn đồng mua bó rau con cá, lo tiền đóng học cho con, nghĩ nấu cơm bằng than tổ ong hay bằng điện rẻ hơn thì thú vui gì, hơi đâu đọc văn chương thân phận và tư tưởng lớn. Nhức đầu.

Thời thắt lưng buộc bụng, hàng hóa vật chất tiêu dùng ế nên hàng hóa tinh thần ế cũng là điều dễ hiểu. Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới lần thứ nhất (1929 - 1933), các nhà xuất bản Mỹ đã phải đốt hàng toa tầu sách của Bjornstierne Bjornson, Rudyard Kipling, Anatole France, George Bernard Shaw - những tác giả đoạt Giải thưởng Nobel về văn chương, chỉ bởi khủng hoảng thừa, đến lúa gạo và bánh mì còn đổ xuống biển nữa là tiểu thuyết đoạt giải thưởng Nobel danh giá.

Thời thắt lưng buộc bụng, ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Hầu như, các báo in đều tụt tia ra; nhà xuất bản kinh doanh giấy phép là chính; các nhà sách tư nhân in cầm chừng bán cầm chừng. Các cuộc ra mắt giới thiệu sách ít hơn và quy mô cũng nhỏ hơn. Phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí ở Hà Nội, phố sách Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai… ở Sài Gòn cũng không tấp nập bán mua như trước nữa. Các tác giả Việt Nam bị bạn đọc hững hờ, ghẻ lạnh đã đành, đến những kiệt tác "Linh Sơn" của Cao Hành Kiên, "Cái trống thiếc" của Gunter Grass, rồi "Lolita" của Nabokov là một trong 50 cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi nhất mọi thời đại, lúc đầu cũng đình đám ở Việt Nam, nhưng cái sự ồn ào là tranh cãi dịch thuật chứ không phải học thuật, rồi đến nay cũng trôi đi trong im lặng của bạn đọc.

"Của đau con xót", nhà văn quặn lòng khi sách ế tang thương, bán từng cân từng đống. Đã thế thì không viết nữa, hoặc tạm dừng những ý tưởng lớn về mối quan hệ con người, về chiến tranh với những đau đớn mất mát, những thử thách sống còn của dân tộc mà nhà văn nặng ý thức công dân phải lên tiếng, quay sang viết tiểu thuyết diễm tình, đồng tính, sex… và giật những cái tít thật sốc. Từ xưa đến nay, hầu như các nhà văn chưa bao giờ sống được bằng ngòi bút. Ông Vũ Trọng Phụng, ông Nam Cao có sống lại và viết văn hay cỡ như "Số đỏ", "Chí Phèo" cũng chưa chắc đủ tiền ăn sáng, uống cafe hàng tháng. Thời thắt lưng buộc bụng, nhà văn sống bằng viết báo và những tác phẩm "á văn chương" chứ không phải là chính phẩm văn chương. Cũng là một nỗi buồn không gọi được tên, và nỗi hài gọi bằng gì cũng được.

Văn chương ế ẩm, nhưng chẳng hiểu sao tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ vẫn cứ in ầm ầm? In ra không để bán mà chỉ để… tặng! Hóa ra, lại có những người làm nghề gì cũng thất bại, quay ra tìm kiếm chút danh ở văn chương. Có những người đã công thành danh toại là doanh nhân, là chức sắc… cũng tìm kiếm cái danh làm sang ở thơ hơn là tâm sự nhân tình thế thái; lại có những người đi gần hết cuộc đời, bất đắc chí bất mãn cũng trút vào văn chương… Đất nước thêm một nhà văn nhà thơ èo uột, đồng thời cũng cống hiến cho xã hội một gã tiều phu lực lưỡng. Tất nhiên, vẫn có những tác giả đang lặng lẽ nuôi chí lớn, âm thầm viết mặc giá vàng lên hay xuống, mặc có ngày tận thế của trái đất như lịch Maya cổ dự đoán hay không, mặc "văn chương hạ giới rẻ như bèo", trước mặt họ là trang sách chỉ đơn thuần là trang sách với niềm đam mê và tự do sáng tạo.

Xem ra, văn chương có sức ám ảnh, mê dụ, quyến rũ cực kì, dù thời thế có là thịnh trị thanh bình hay đảo điên thế sự!



(Theo vnca.cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)