Thứ năm, 25/04/2013 09:07
Bài điểm sách: Công thức và phản bội
Bộ VHTTDL đã công bố những con số đáng báo động: Trung bình người VN đọc 0,8 cuốn sách/người/năm; tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn; ở nông thôn, con số là 0. Trong khi đó, cách nay 10 năm, tại Malaysia mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn/năm; rồi năm 2012, con số tăng từ 10-20 đầu sách/người/năm.

Ngày hội sách 2013 ở Thư viện Quốc gia.
Dù ta đã có Ngày hội sách và văn hóa đọc, nhưng sự tiến bộ ở đâu vẫn
chưa thấy ghi nhận. Với sách công cụ, người nghiên cứu có thể lên Google
mà tìm. Riêng sách mang tính tư tưởng cần đọc và suy ngẫm thì sao?
Mới tháng trước, GS Chu Hảo than phiền về tình trạng ế ẩm của Tủ sách
Tinh hoa: “Mỗi cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được
hơn 2.000 cuốn trên 84 triệu dân”. Còn sách văn học, sách đọc để thưởng
thức, nhâm nhi? Kết quả chưa có gì sáng sủa.
Công thức và phản bội
Dẫu sao, mọi hoạt động đó đều là phong trào. Và phong trào nào dù lôi
kéo quần chúng hay giới chuyên môn đông đảo tới đâu rồi cũng sẽ qua.
Vậy, sau phong trào, thì sao nữa? Riêng về sách văn học, làm thế nào để
sách đến và ở lại với công chúng? Nhìn ở khía cạnh ít được quan tâm: Sự
việc diễn ra mỗi ngày, thầm lặng, miệt mài, khiêm tốn, lại là mấu chốt
quan trọng gây niềm tin nơi người đọc để họ tìm đến tác phẩm cụ thể, đó
là các bài điểm sách. Bài điểm sách chính là cầu nối độc giả với sách.
Tình trạng điểm sách ở ta hiện nay thế nào? Không khó nhận ra, rằng đa
số được viết rất sơ sài, chung chung và luôn phạm phải mấy thói tật cố
hữu:
Đầu tiên, kể lể những chuyện ngoài lề. Tôi đã quen tác giả này ở đâu,
cảm tưởng ban đầu là tác giả đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp,
anh/chị tặng tôi cuốn sách mới ra khỏi nhà in, tôi vừa đọc vừa nghiền
ngẫm, vân vân... Vòng vo như vậy vài trăm chữ mới chịu bàn vào chính tác
phẩm.
Vào tác phẩm, nếu là tiểu thuyết, thao tác đầu tiên là tóm lược cốt
truyện, tóm lược đến lộ hết câu chuyện; tiếp đến là nêu tên vài nhân vật
có tần số xuất hiện cao trong sách để tán. Với thơ, người viết không
làm gì khác là diễn nôm tác phẩm - là điều hoàn toàn vô ích; vô ích đến
phản bội lại tác phẩm. Sau đó là trích vài đoạn thơ mình cho là hay, để
bình tán.
Thứ ba là tình trạng chung chung. Bài viết có thể áp dụng cho tất cả tác
phẩm cùng thể loại, chỉ cần thay tên tác giả, tác phẩm, năm xuất bản là
xong. Về tập thơ, với các cụm từ làm sẵn, người viết chỉ cần lắp ghép
vào bài điểm sách: Nhiều bài thơ gây xúc động, tác giả có nhiều nỗ lực
cách tân đáng trân trọng, ghi nhận bước tiến đáng kể, đóng góp nhất định
vào tiến trình thơ Việt đương đại,...
Thói tật cuối cùng và có thể nói là trầm kha nhất là: Tán tụng. Tụng ca
bằng những tính từ và hình dung từ như cực kỳ độc đáo, rất mới, sáng tạo
sáng giá, đánh bạt mọi nỗ lực cùng loại trước đó, chứng tỏ một tài năng
đang thời sung mãn nhất,... khiến người đọc tìm mãi không thấy chút
tương ứng nào với tác phẩm đang được giới thiệu. Nghĩa là người viết gán
cho tác phẩm được giới thiệu những phẩm chất mà nó chưa hề có.
Chính sự cẩu thả đó đã khiến người đọc thất vọng với bài điểm sách sau
khi đọc tác phẩm. Từ đó, họ dị ứng với các bài điểm sách, rồi quay lưng
lại với sách, là điều khó tránh.
Gợi mở những chân trời
Điểm sách khác với phê bình, không phải ở độ ngắn dài, dung lượng chữ ít
nhiều, mà chính là ở đặc tính. Đặc tính của bài điểm sách chính là PR
tác phẩm đúng nghĩa, nghĩa là làm cầu nối liên kết tác phẩm với công
chúng. Thời điểm xuất hiện lý tưởng nhất là khi tác phẩm vừa được tung
ra thị trường. Nó có bổn phận gọi mời người đọc mua tác phẩm, và đọc nó.
Bởi tính chất và nhiệm vụ của mình, bài điểm sách thường chuộng ngắn,
nhất là với các loại báo phổ thông. Có điểm sách mô tả, có điểm sách phê
bình, đánh giá tác phẩm; hoặc người viết có thể kết hợp cả hai hình
thức. Điểm sách văn học, hình thức sau là rất cần thiết, nhất là trong
tình trạng trì trệ của “văn hóa đọc văn chương”, sự lạc hậu của dạy văn
và học văn, nỗi ngán ngại tác phẩm văn chương đầy sáng tạo của đại bộ
phận độc giả.
Bài điểm sách dù ngắn với lượng chữ hạn chế, ngoài thao tác điểm sơ lược
về đề tài, nhân vật, cốt truyện, phong cách, bối cảnh (với tiểu thuyết)
hay trung điểm quan tâm của tập thơ và thủ pháp của nhà thơ (với thơ) -
nếu đó là tác phẩm có nhiều khai phá, yêu cầu đầu tiên của người viết
là nêu bật được hệ mỹ học sáng tác của nhà văn. Hệ mỹ học như là sợi dây
dẫn quan trọng đưa độc giả đi vào chính tác phẩm để thưởng thức theo
cách thức của mỗi người đọc tiếp nhận, chứ người điểm sách không làm
thay, đọc thay độc giả.
Thao tác tiếp theo là người viết nắm được cái thần của tác phẩm để có
thể nêu lên vài điểm nhấn chủ yếu của tác phẩm đó, như thể cách điểm
nhãn, nhưng phải coi đó là điều rất phụ để tránh sự áp đặt diễn giải chủ
quan lên người đọc. Làm được điều đó đòi hỏi người viết sự nhạy cảm để
nắm bắt cái mới mà kẻ sáng tạo gửi gắm qua tác phẩm, không phải bằng
thuyết giáo mà bằng các hình tượng, các ẩn ngữ văn chương được giấu kín
hay được lộ bày bằng cách thức độc đáo của tác giả.
Chỉ như thế, bài điểm sách mới kích thích óc tò mò của người đọc, gợi mở
những chân trời để người đọc cùng phiêu lưu với tác giả vào thế giới
tác phẩm. Phần còn lại, hoàn toàn thuộc tiếp nhận chủ quan của người
đọc.
(Theo laodong.com.vn)
|