Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 26/04/2013 08:35
Việt Nam lần đầu đăng cai Cuộc họp Ủy ban thường trực ICAPP
Trong hai ngày 25 và 26/4 đã điễn ra Cuộc họp lần thứ 19 Ủy ban Thường trực của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) do Đảng Cộng sản Việt Nam đăng cai tổ chức.


                                



Các đại biểu tham dự Cuộc họp chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Minh Châu/TG&VN)

Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đăng cai tổ chức hoạt động của ICAPP với tư cách Ủy viên Ủy ban Thường trực. 37 đoàn đại diện lãnh đạo của các đảng cầm quyền, các đảng chính trị lớn của các nước châu Á, các quan sát viên và khách mời, các tổ chức khu vực và quốc tế từ 5 châu lục đã tham gia sự kiện này.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng ban Đối ngoại TƯ, cho rằng các diễn đàn, hội nghị của ICAPP đã thực sự tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng trong và ngoài khu vực. “Chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận vai trò hết sức quan trọng của Ủy ban Thường trực ICAPP – cơ quan điều hành của ICAPP, đã có nhiều sáng kiến và hoạt động thiết thực, định hướng các hoạt động ICAPP đi vào phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu”, ông Hoàng Bình Quân khẳng định.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Philippines, Chủ tịch sáng lập, đồng Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Jose De Venecia cho biết, kể từ ngày thành lập ở Manila tháng 9/2000 đến nay, ICAPP đã có hơn 340 đảng thành viên đến từ 52 quốc gia châu Á. Trong thời gian qua, ICAPP đã mở rộng quan hệ với Hội nghị các Đảng chính trị Châu Mỹ Latinh và Caribbe (COPPPAL) và các đảng chính trị ở châu Phi, với “mục tiêu cuối cùng là xây dựng một Liên minh Ba Lục địa của các đảng chính trị châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi”.

Đánh giá những thành công sau hơn hai thập kỷ đổi mới của Việt Nam (VN), ông Venecia nói rằng VN hiện là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất và là điểm đến được yêu thích nhất của các nhà đầu tư tại châu Á. Ông còn cho rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN nếu được hoàn thành vào năm 2015 sẽ trở thành một hình mẫu cho các khu vực Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á, Trung Đông... Ông cũng hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử về Biển Đông (COC) với hy vọng Biển Đông sẽ trở thành Khu vực hòa bình, thân thiện và phát triển.

Hội nghị các đảng chính trị tại châu Á được thành lập năm 2000 với mục đích thúc đẩy giao lưu và hợp tác giữa các đảng chính trị thuộc các hệ tư tưởng khác nhau. Gần đây ICAPP bắt đầu chú trọng tăng cường làm trung gian hòa giải các xung đột chính trị, như ủng hộ và thúc đẩy đối thoại, hòa giải và phối hợp tìm các giải pháp chính trị giữa các đảng tại Nepal, quan hệ chính trị Pakistan - Ấn Độ, quan hệ liên Triều, tranh chấp biên giới Thái Lan – Campuchia…

ICAPP đã trải qua 7 kỳ hội nghị toàn thể hai năm một lần. Ủy ban Thường trực ICAPP gồm 22 đảng thành viên là cơ quan điều hành của ICAPP được tổ chức họp ít nhất một lần trong năm. ICAPP đang hướng tới mục tiêu trở thành một diễn đàn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Ủy ban Thường trực ICAPP đã có những sáng kiến thiết thực, như thúc đẩy thành lập Diễn đàn Y tế khẩn cấp ICAPP (tháng 6/2010); nghiên cứu khả năng thành lập Quỹ ICAPP với mục đích gia tăng và quản lý các nguồn tài chính cho các hoạt động của ICAPP; xúc tiến việc vận động giành Quy chế quan sát viên tại Đại hội đồng LHQ để phối hợp các hoạt động của ICAPP với các chương trình của LHQ, đặc biệt trên hai vấn đề lớn là xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường…

ĐCSVN tham gia ICAPP ngay từ khi ICAPP thành lập và được bầu làm Ủy viên Ban thường trực ICAPP từ hội nghị toàn thể ICAPP lần thứ 3 tháng (9/2004); và liên tục được bầu lại trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Với tư cách là một thành viên của ICAPP nói chung và ủy viên UBTT nói riêng, ĐCSVN đã có nhiều sáng kiến và đóng góp thiết thực vào việc thực hiện những mục tiêu, dự án ưu tiên của ICAPP. Việc ĐCSVN lần đầu tiên đăng cai tổ chức hoạt động của ICAPP thể hiện sự tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả và trách nhiệm đối với công việc chung của tổ chức lớn nhất dành cho các đảng chính trị trong khu vực.

Chủ tịch sáng lập, đồng Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Jose De Venecia: “Đã có những nỗ lực hòa bình hòa giải thành công giữa Đông Timor và Indonesia, giữa người Thiên chúa giáo và Hồi giáo ở Aceh (Indonesia); giữa người Hồi giáo và chính phủ Philippines, nỗ lực hòa giải ở Nepal… Nhưng với tôi, một trong những câu chuyện thành công nhất về sự hòa giải là Việt Nam. Hàng chục nghìn người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã tiến hành hòa giải với Mỹ, nêu một tấm gương sáng về hòa bình và hòa giải tại châu Á. Việt Nam cũng được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước trở thành một nước thu nhập trung bình. Cuộc họp lần này tại Việt Nam có lẽ là cuộc họp quy mô nhất của Ủy ban Thường trực ICAPP kể từ ngày thành lập. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự có một vai trò năng động, tích cực, xây dựng trong những hoạt động của ICAPP”.

Ông Adil Ibrahim Mustafa Ahmed, Đại sứ CH Sudan tại Việt Nam: “Về nguyên tắc, tôi cho rằng hoạt động ngoại giao của các đảng chính trị đang trở nên ngày càng quan trọng. ICAPP đang có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định không chỉ ở châu Á mà ở châu Phi, Mỹ Latinh và các khu vực khác. Các đảng chính trị ở khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu đứng lên và nỗ lực tham gia vào tiến trình này. Tôi hy vọng và chắc chắn rằng trong thời gian tới, ngoại giao đảng chính trị sẽ cùng sát cánh với các hoạt động ngoại giao của các chính khách và các chính phủ trên thế giới. Việt Nam có vai trò lớn trong thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển. Tôi đánh giá cao khả năng và kỹ năng tổ chức cuộc họp lần này của Việt Nam”.




(Theo tgvn.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)