Công tác đào tạo cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam: Những quyết sách chiến lược mang tầm nhìn xa
Để tạo nguồn cán bộ chi viện, Bộ Công an đã điều động trở lại lực lượng Công an 1.724 cán bộ Công an miền Nam ra tập kết, tuyển chọn 1.000 cán bộ, chiến sỹ ưu tú trong Quân đội miền Nam ra tập kết và hàng trăm học sinh miền Nam vào lực lượng Công an, đào tạo họ trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật, tất cả cùng chung ý chí hướng về miền Nam ruột thịt và lý tưởng cao cả, thống nhất Tổ quốc...
Thiếu tướng Phan Văn Lai, Trưởng ban Liên lạc cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam bồi hồi nhớ lại thời khắc, tháng 12/1962, ông vinh dự được vào học lớp cán bộ Công an chi viện miền Nam tại Trường Công an Trung ương C500 (Học viện An ninh nhân dân), 48 năm đã trôi qua, nhưng đến nay vẫn để lại trong ông biết bao kỷ niệm ân tình không thể nào quên.
Từ buổi đầu đến trường, ông được các cán bộ và anh chị em phục vụ lớp học làm việc hết mình, không quản vất vả, chăm sóc tận tình, chu đáo từ nội dung học tập đến từng bữa ăn, viên thuốc, từng buổi luyện tập ban đêm và giấc ngủ. Buổi tiễn cán bộ ngày hôm đó, tuy vắng mặt người thân nhưng tình cảm thân thiết, ân tình của cán bộ, nhân viên nhà trường đã khiến các cán bộ chi viện xúc động vô cùng, như được tiếp thêm lửa và sức mạnh để vào Nam chiến đấu.
Thiếu tướng Phan Văn Lai còn khắc ghi lời căn dặn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn: cuộc chiến đấu với kẻ thù Mỹ, ngụy ở miền Nam còn gian khổ, ác liệt, hy sinh gấp nhiều lần so với kháng chiến chống Pháp, song mỗi cán bộ Công an phải hun đúc nhiệt tình cách mạng và niềm tin tất thắng.
Đại tá, NGND Phạm Đức Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an, cựu cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam xúc động vô cùng khi nhớ lại cái thuở vào Trường C500 học tập, chuẩn bị cho một chuyến đi dài gian khổ mà vinh quang: “Đầu tháng 5/1966, tôi và 30 cán bộ thông tin, cơ yếu được tập trung về Trường C500 để học tập, bồi dưỡng chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Các bài giảng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ Công an và các môn khoa học khác của các thầy giáo cô giáo ở mái trường C500 đã để lại trong lòng chúng tôi không những lý luận về thực tiễn cách mạng mà cả tình cảm cách mạng, đó là hành trang để chúng tôi vào đời, để chúng tôi sống và chiến đấu. Sự trưởng thành và cống hiến của mỗi học sinh, sinh viên của trường là chiến công của các thầy cô giáo”.
Nói về tầm nhìn xa của chiến lược đào tạo cán bộ Công an chi viện miền Nam của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại, ngày 9/10/1961, Ban Bảo vệ an ninh Trung ương Cục có Điện số 235/NB gửi lãnh đạo Bộ Công an đề nghị chi viện cán bộ, giúp An ninh miền Nam nhanh chóng có đủ lực lượng để hình thành bộ máy an ninh các cấp.
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Bộ Công an, mà trực tiếp là cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đặt ra là phải đảm bảo công tác chi viện cán bộ có chất lượng và hiệu quả. Cán bộ chi viện ngoài tiêu chuẩn quy định, nhất thiết phải được tập trung đào tạo, bồi dưỡng chu đáo về chính trị, nghiệp vụ và thể lực trước khi chi viện vào chiến trường.
 |
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chuẩn bị chi viện chiến trường miền Nam. |
Với chiến lược xuyên suốt đó, từ năm 1961, lãnh đạo Bộ đã giao cho tổ công tác cán bộ miền Nam chịu trách nhiệm chiêu sinh và Trường Công an Trung ương chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và thể lực. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề nhưng đầy vinh quang mà Đảng và Nhà nước giao phó cho Trường Công an Trung ương.
Trải qua 14 năm (1961 - 1975) đã có 13 đợt gồm 8.038 cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam, trong đó có 5.261 là Công an người miền Bắc và 2.777 cán bộ Công an miền Nam, hầu hết số cán bộ chi viện đều được tập trung về mái trường C500 để học tập, bồi dưỡng trước khi chi viện vào chiến trường miền Nam…
Mặt khác, để chuẩn bị cho công tác đào tạo cán bộ An ninh miền
Nam, Bộ Công an đã chủ động chuẩn bị, kịp thời chi viện một đội ngũ giáo viên để mở trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay tại chiến trường.
Trong 2 năm 1964 - 1965, Bộ Công an đã chi viện cho Ban An ninh Trung ương Cục miền
Nam và An ninh khu V bộ khung đủ số giáo viên để thành lập trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ An ninh từ phong trào lên. Bộ còn chi viện cho Ban An ninh Trung ương Cục miền
Nam cán bộ cốt cán để hướng dẫn, tổ chức, đào tạo cán bộ, chiến sỹ chuyên ngành cảnh vệ, góp phần bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, mặt trận từ cấp tỉnh, khu và Trung ương Cục miền
Nam.
Năm 1971, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập Trường An ninh miền Nam ở Tam Dương, Vĩnh Phú có nhiệm vụ bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho những cán bộ An ninh miền Nam ra Bắc chữa bệnh; trường có nhiệm vụ đào tạo dài hạn, toàn diện và có hệ thống về văn hóa, chính trị nghiệp vụ và kỹ thuật cho cán bộ. Quyết định này của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn một lần nữa cho thấy quyết sách mang tầm nhìn xa của Bộ Công an đối với công tác đào tạo cán bộ chi viện cho chiến trường miền
Nam.
Trở lại mái trường C500, nơi đào tạo cán bộ chi viện miền Nam, lãnh đạo Bộ Công an đã chọn phần lớn giáo viên cốt cán như các đồng chí Phạm Cứu, Trần Gia Bạt, Lê Ngẫu, Thái Văn Ngoạn, Bùi Thiện Ngộ, Từ Đức Lưu, Phạm Đình Trung, Đinh Ngọc By tăng cường cho các trường của An ninh Trung ương Cục và An ninh khu V.
Cán bộ chi viện nhanh chóng tổ chức nhiều lớp học tại rừng Đội Thơ cho cán bộ an ninh tại chỗ. Những đồng chí ra Bắc học tập thì ròng rã vượt Trường Sơn, trên lưng mang đầy đủ quân trang, quân dụng, lương thực, vũ khí nên khi về tới C500 thì việc đầu tiên là phải rèn luyện thể lực, tập hành quân xa, liên tục 4 tháng tập mang ba lô đựng gạch.
Cán bộ chi viện bất cứ chuyên ngành nào khi tập trung về trường đều được bồi dưỡng về đường lối cách mạng miền Nam; về phương châm, nguyên tắc, công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng; về công tác vận động quần chúng, khí tiết người đảng viên cộng sản. Một số cán bộ chi viện nhớ lại, thú vị nhất là những buổi học về kinh nghiệm trong việc đấu tranh “hai chân” (chính trị, vũ trang), “3 mũi” (chính trị, vũ trang, binh vận), đã giúp cho họ củng cố thêm nhân sinh quan cách mạng và lý luận nghiệp vụ cơ bản, hiểu được thực chất khó khăn, gian khổ ở chiến trường, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…

(Theo cand.com.vn)