Thứ bảy, 04/05/2013 08:16
Cụ thể hóa các chính sách ưu tiên, phát triển vận tải hành khách công cộng
Tiếp tục phiên họp tập thể thường kỳ, chiều 3-5, tập thể UBND TP Hà Nội đã cho ý kiến vào 3 tờ trình nhằm cụ thể hóa Khoản 3, Điều 18 Luật Thủ đô về: Một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô các phương tiện cơ giới khác; một số chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.
 |
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ảnh: Linh Ngọc |
Các nội dung liên quan tới tờ trình về một số chính sách ưu tiên phát
triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn
Thủ đô đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Theo Phó Giám
đốc Sở Giao thông - Vận tải Phạm Hoàng Tuấn, quy định này áp dụng đối
với mọi tổ chức, cá nhân tham gia quản lý đầu tư, khai thác, sử dụng hệ
thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn như đường
sắt đô thị (tàu điện ngầm, tàu điện trên cao), đường sắt một ray, xe
buýt nhanh, xe buýt. Thành phố sẽ có 6 chính sách ưu tiên cho các tổ
chức, cá nhân tham gia quản lý đầu tư, khai thác, sử dụng hệ thống vận
tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn. Ngoài các ưu tiên
chung, thành phố sẽ ưu tiên về tổ chức giao thông, đầu tư đổi mới phương
tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nâng cao chất lượng
dịch vụ vận tải hành khách công cộng và ưu tiên hỗ trợ đối với hành
khách cũng như cơ chế tài chính. Đặc biệt, thành phố sẽ hỗ trợ giá vé
phù hợp; miễn vé sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối
lượng lớn đối với các đối tượng là thương binh, người có công, anh hùng
lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, đại biểu quốc hội, người khuyết
tật, trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với loại hình vận tải hành khách công cộng
bằng xe buýt và xe buýt nhanh, thành phố sẽ hỗ trợ giảm 50% giá vé tháng
đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người cao tuổi;
giảm 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng, công
sở mua vé tháng theo hình thức tập thể với số lượng lớn (20 người trở
lên). Song song với đó, để cụ thể hóa khoản 3, Điều 18 của Luật Thủ đô,
thành phố cũng sẽ có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác
bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác và áp dụng công
nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải trên địa
bàn.
Khẳng định sự cần thiết phải ban hành các chính sách nêu trên, theo các
đại biểu, khi được thông qua sẽ là giải pháp hữu hiệu khắc phục những
bất cập, thiếu đồng bộ trong quản lý, phát triển giao thông trên địa bàn
Thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý cần làm rõ vai trò quản
lý của Nhà nước với các lĩnh vực này. Đối với việc khai thác, xây dựng
bến bãi, điểm đỗ xe cần tách bạch nội dung đầu tư và khai thác; đồng
thời có cơ chế dài hạn, trung hạn để khuyến khích nhà đầu tư và đi kèm
với đó là cơ chế giám sát để việc triển khai theo đúng quy hoạch. Cũng
có ý kiến đề xuất nên thu gọn 3 nội dung trên vào cùng một tờ trình để
tránh trùng lắp.
Chiều cùng ngày, tập thể UBND TP đã thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình
về việc ban hành một số chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn
lực để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xã hội đồng bộ ở ngoại thành Hà Nội (được quy định tại khoản 2,
Điều 19 Luật Thủ đô).
(Theo hanoimoi.com.vn)
|