Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ
Tư pháp) Ngô Hải Phan, số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số và
chính là số chứng minh nhân dân mới mà Bộ Công an đang thí điểm triển
khai cấp cho công dân tại 4 quận, huyện của TP.Hà Nội.
Khẳng định số này được xác lập từ Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng theo ông Phan, việc xây dựng Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư trong giai đoạn 2013-2020 trước mắt sẽ tập trung
vào các thông tin cơ bản của công dân như họ, tên; ngày, tháng, năm
sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; số chứng minh
nhân dân, ngày cấp, nơi cấp; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; số hộ
chiếu, ngày cấp, cơ quan cấp; họ tên cha; họ tên mẹ; họ tên con; tình
trạng hôn nhân và họ tên vợ/chồng.
Việc triển khai nhập thông tin công dân
vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được tổ chức từ năm 2016. Theo
Đề án, ngành Công an nhập thông tin để xác lập số định danh cá nhân đối
với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016; cán bộ hộ
tịch ngành Tư pháp nhập khi công dân đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016
để xác lập thông tin công dân và số định danh, cấp số định danh cho
công dân từ khi đăng ký khai sinh.
Ông Đặng Công Khôi (Bộ Tài chính) nêu
băn khoăn, số định danh cá nhân là số CMND mới, hiện mới đang thí điểm
tại một số quận huyện của Hà Nội, “là thí điểm, do đó không nên đưa cụ
thể vào Đề án mà chỉ nêu nguyên tắc thôi”. Ngoài ra, cách nhập thông tin
và cấp số định danh cá nhân như Đề án chỉ ra thì sẽ tạo ra sự “cắt
khúc” và liệu có làm phát sinh 2 luồng kinh phí không. Việc này đòi hỏi
cần có quy định nhằm liên thông với nhau và nêu được cách xử lý vấn đề.
Tuy nhiên, đa số các ý kiến đồng tình
với Đề án mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và đề xuất cần làm rõ hơn cơ
chế phối hợp giữa hai Bộ. Ông Nguyễn Văn Bốn (Bộ LĐ -TB&XH) nhất trí
là cơ quan hộ tịch cấp số định danh cá nhân khi công dân đăng ký khai
sinh, nhưng có một thực trạng là hiện còn tồn tại khoảng 10% dân số chưa
đăng ký khai sinh, chưa có tên tuổi.
“Vấn đề ấy sẽ giải quyết như thế nào,
nên chăng giao cho ngành Công an rà soát cấp? Nhân Đề án này, cần làm rõ
để giải quyết triệt để", ông Bốn kiến nghị.
Kết luận nội dung trên, Bộ trưởng Hà
Hùng Cường khẳng định, số định danh cá nhân cần kế thừa số chứng minh
nhân dân 12 số, điều quan trọng là phương pháp đánh số, có thể sẽ nghiên
cứu thể hiện trong Nghị định của Chính phủ.
Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu cấp số định
danh cho người trên 14 tuổi thì có thể gây ra xáo trộn không cần thiết.
“Nhưng nếu dồn sức trong 5 năm mà cấp xong số định danh cho gần 90
triệu dân thì rất đáng để Nhà nước đầu tư kinh phí”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đến năm 2020, giảm ít nhất 4 loại giấy tờ
Một trong những thay đổi đáng kể của Đề
án sau khi có ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ như ông Phan
cho biết thì theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, với giả định chỉ có
khoảng 20 trường thông tin cơ bản về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư thì đến năm 2020, khi toàn dân đã có số định danh cá nhân
và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được vận hành sẽ tác động tích cực
đến kinh tế - xã hội.
Cụ thể, giảm tối thiểu 4 loại giấy tờ
gồm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử.
Nếu các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiếp tục giảm các giấy tờ khác như
thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội…
Không những thế, việc đơn giản hóa tối
thiểu 1.300 TTHC có yêu cầu khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp
bản sao/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân, khi vận hành Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm cho công dân trên 1.600 tỷ
đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của
mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực
bản sao từ bản chính giấy tờ công dân, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu
dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.