Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2013): Viết tiếp bản hùng ca chiến thắng
"Lớp con, cháu chúng tôi hôm nay vẫn đang
nối tiếp truyền thống ấy...”. Đó là tâm sự của cựu chiến binh Bùi Văn
Trạm ở C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Vượt khó làm nên kỳ tích
Trở
lại Điện Biên vào những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta thêm cảm
nhận về dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ -- truyền thống anh dũng, hào
hùng, bất khuất trước mọi kẻ thù của dân tộc ta. Dưới cái nắng chói
chang, từng đoàn người, xe vẫn đổ về những di tích lịch sử của gần 60
năm trước: Những ngọn đồi A1, C1, D1, rừng Mường Phăng, hầm Đờ Cát, chạm
vào những thân súng, xác xe tăng...
|
Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm về chiến dịch năm xưa và những tháng ngày chung sức xây dựng, phát triển Điện Biên. |
Vợ
chồng ông Nguyễn Văn Minh - du khách đến từ TP.Hải Phòng xúc động bày
tỏ: “Chúng tôi vừa cùng bạn bè làm một chuyến đi tìm về lịch sử từ ngày
28.4. Chúng tôi đã vào Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và ngày
5.5 này có mặt ở Điện Biên. Đã gần 60 tuổi tôi mới có một chuyến đi dài
ngày như thế để hiểu thêm về lịch sử dân tộc, lịch sử quân đội ta. Nhiều
đau thương, mất mát, nhưng cũng đầy hào hùng, vinh quang, khiến chúng
tôi thực sự xúc động”.
Tiếng là lên để xây dựng Điện Biên nhưng chúng tôi ngày ấy có ai biết
gì về làm kinh tế đâu. Vậy là mọi cái đều vừa học, vừa làm, vừa thử
nghiệm. Vụ mùa đầu tiên ở Điện Biên này, chúng tôi đã thu được nhiều kết
quả lớn cả về diện tích và sản lượng
Cựu chiến binh Bùi Văn Trạm
Trong
ký ức của một cựu chiến binh tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa,
ông Bùi Văn Trạm vẫn chẳng phai mờ những ngày tháng “máu trộn bùn non”
của quân đội ta.
Ông kể: Ngày ấy, bộ đội
chúng tôi tham dự chiến dịch với lòng yêu nước nồng nàn, nhưng quả thực
cũng gặp nhiều khó khăn. Lương thực, thực phẩm hạn chế; vũ khí trang bị
lạc hậu, trình độ anh em quá thấp vì chủ yếu là nông dân nghèo, mù
chữ... Nhưng chúng tôi vẫn thực hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
Ngoài
thời gian hành quân, rèn luyện và chiến đấu, bộ đội ở đâu thì tăng gia,
cải thiện ở đó, rồi tích cực dạy chữ cho nhau, dạy nhau cả tiếng Pháp
để khi bắt được tù binh thì ít nhất cũng phải biết cách bảo nó giơ tay
hàng... Nhờ thế, dù hy sinh nhiều, thương vong lớn nhưng chúng tôi vẫn
bám trụ và làm nên chiến thắng 7.5.1954.
Hết giặc thì cầm cày...
Theo
ông Trạm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng cả thế giới, khuất
phục cả kẻ thù, còn có một “cuộc chiến” khác kéo dài với những người
lính Điện Biên Phủ cho tới hôm nay và họ vẫn tiếp tục chiến thắng: Đó là
cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu, chiến thắng chính mình.
Ông
Trạm kể: Sau những ngày chiến thắng hào hùng, tháng 3.1958, hàng ngàn
người lính chúng tôi lại trở lại với Điện Biên để thực hiện mục tiêu xây
dựng vùng đất gian khó này thành hòn ngọc của Tổ quốc. Ngày ấy, chúng
tôi phải đi bộ từ miền xuôi lên mất cả tuần trời ròng rã. Đến Điện Biên,
nhìn cảnh hoang tàn, xơ xác, đói nghèo mà không khỏi nao lòng.
Trong
câu chuyện của đại tá Nông Văn Khầu - nguyên Khẩu đội trưởng đại liên
của E174, từng tham gia đánh đồi A1 có những chi tiết thật thú vị về
ngày đầu trở lại xây dựng Điện Biên năm 1958: “Chúng tôi hỏi cấp trên:
Có cán bộ kỹ thuật không? Trên bảo không có. Lại hỏi có tài liệu hướng
dẫn làm nông nghiệp không? Cũng không có.
Anh
em nhìn nhau, bởi toàn bần nông, cố nông cả, toàn đi làm thuê, có ai
biết làm nông nghiệp một cách toàn diện đâu. Mãi sau này mới kiếm được
cuốn sách xuất bản từ những năm 1940 của ông Bùi Huy Đáp - kỹ sư nông
nghiệp duy nhất của Việt Nam thời đó. Thế là cứ mày mò mà làm. Sau này
chúng tôi được cấp 4 cái máy cày của Rumani, vì chưa ai biết dùng nên
ngay hôm đầu đã gãy mất 3 răng cày, thế là phải dùng xe vận tải chiến
lợi phẩm chở máy cày về Hà Nội sửa chữa...
Thả
bộ trên cầu Him Lam, ngắm ánh nắng chiều lan toả rực vàng trên TP. Điện
Biên Phủ, ông Khầu bảo: Điện Biên hôm nay đã khác xưa rất nhiều và sẽ
còn thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn nữa trong thời gian tới, xứng đáng với
máu xương của dân tộc mình đã đổ xuống nơi đây.
(Theo danviet.vn)