Nhiều điểm mới trong Quy chế phát ngôn
“Nếu người phát ngôn
(NPN) cung cấp thông tin sai thì báo chí, với điều kiện đăng tải trung
thực các thông tin được cung cấp, sẽ được miễn trừ trách nhiệm. Trong
trường hợp sử dụng các thông tin do các nguồn tin khác cung cấp, báo chí
và nguồn tin sẽ cùng phải chịu trách nhiệm nếu thông tin đăng tải không
đúng sự thật” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Chính sách - Pháp
luật, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết.
Thêm đối tượng phải phát ngôn
. Phóng viên: Thưa ông, Quy chế phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí vừa được ban hành theo Quyết định
25/2013 của Thủ tướng Chính phủ có điểm gì khác so với quy chế phát ngôn
trước đó?
+ Ông Nguyễn Văn Hiếu: Quy chế phát ngôn mới có một số điểm mới so với quy chế phát ngôn ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg.
Trong đó, tại Điều 2 quy chế mới quy định mỗi cơ quan hành chính nhà nước có ba người có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bao gồm: Người đứng đầu cơ quan, NPN thường xuyên và người được ủy quyền phát ngôn (khi NPN thường xuyên đi vắng hoặc được ủy quyền trong các trường hợp cần thiết).
Như vậy, so với quy chế cũ thì đối tượng chịu trách
nhiệm phát ngôn đã được quy định chi tiết hơn nhiều vì quy chế cũ chỉ
quy định “NPN là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người
được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí”.
Điểm khác biệt thứ hai là thời hạn bắt buộc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của các cơ quan nhà nước cũng đã được rút ngắn.
Cụ thể, việc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí đã được rút ngắn từ
ba tháng xuống còn một tháng, thời hạn tối đa phải tổ chức họp báo để
cung cấp thông tin cũng giảm từ sáu tháng xuống còn ba tháng. Còn thời
gian mà NPN phải cung cấp thông tin ban đầu về các vấn đề đột xuất, quan
trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan
mình cho báo chí đã được rút ngắn từ hai ngày xuống còn một ngày kể từ
khi vụ việc xảy ra.
Báo chí chất vấn người phát ngôn trong một buổi họp báo về thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: CTV
Điểm thứ ba là quy chế mới này cũng quy định rõ trách
nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác phát ngôn trong cơ
quan hành chính thuộc quyền quản lý của mình cũng như trách nhiệm đối
với các nội dung phát ngôn, kể cả là các phát ngôn của NPN thường xuyên
và người được ủy quyền phát ngôn.
Đây là điểm khác biệt lớn vì trong quy chế cũ không
đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác phát
ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Thay vào đó, quy chế cũ chỉ quy
định “NPN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và
thông tin cung cấp cho báo chí” tại khoản 4 Điều 5.
“Né” báo chí: Vẫn khó xử lý
. Về các quy định xử lý vi phạm trong công tác phát ngôn, quy chế này có những điểm gì mới, thưa ông?
+ Quy chế này đã đưa ra các quy định khung về xử lý
vi phạm trong công tác phát ngôn mà quy chế cũ chưa đề cập. Cụ thể, Điều
8 quy chế mới quy định: “Cơ quan, tổ chức có liên quan không thực hiện,
thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy
chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử
lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật”.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý theo Luật Báo chí hoặc Luật Cán bộ, công chức.
. Theo ông, sau khi có quy chế mới thì tình trạng “vin” vào lý do “tôi không phải NPN” để “né” báo chí có giảm hay không?
+ Việc các lãnh đạo cơ quan nhà nước lấy lý do như
thế là chưa đúng hoặc chưa hiểu rõ quy định pháp luật. Theo Quy chế NPN,
cả mới lẫn cũ, thì NPN là người được nhân danh cơ quan hành chính đó để
cung cấp thông tin cho báo chí. Còn những người khác, họ không có quyền
nhân danh cơ quan hành chính nhưng vẫn có đầy đủ quyền cung cấp thông
tin theo Điều 7 của Luật Báo chí.
Quy chế cũ mặc dù không nói rõ vấn đề trên nhưng vẫn
được hiểu như vậy. Còn trong quy chế mới, để tránh nhầm lẫn, chúng tôi
đã nói rõ vấn đề này ở khoản 4 Điều 2.
Tuy nhiên, việc người ta trốn tránh trách nhiệm không
thể quy định cụ thể bằng pháp luật được mà chỉ có cách vận động nâng
cao trách nhiệm của người ta vì cung cấp thông tin cho báo chí không
phải lúc nào cũng là nghĩa vụ của một cán bộ nhà nước. Đôi khi đấy còn
là đặc quyền của người ta.
. Trên thực tế, có cơ quan quy định ngầm rằng
không phải NPN vẫn được cung cấp thông tin cho báo chí nhưng không được
ghi chức danh của cá nhân đó. Như vậy có đúng không?
+ Về vấn đề ghi chức danh của người cung cấp thông
tin thuộc cơ quan hành chính nhà nước (không phải là NPN) là do thỏa
thuận giữa tòa báo và người cung cấp thông tin vì quy chế phát ngôn
không quy định cụ thể và pháp luật cũng không cấm. Tuy nhiên, theo tôi,
nên khuyến khích ghi chức danh của người cung cấp thông tin để tăng tính
thuyết phục của thông tin.
. Xin cảm ơn ông.
Vin vào quy chế phát ngôn để “né” báo chí
Báo cáo nghiên cứu
“Thách thức và cơ hội đối với báo chí đưa tin tham nhũng ở cấp tỉnh” do
Bộ phát triển quốc tế Anh quốc (DFID) thực hiện năm 2011 trên phạm vi 12
tỉnh, TP chỉ rõ: “Minh chứng rõ nét nhất trong việc triển khai các quy
định pháp luật thiếu nghiêm túc đối với hoạt động báo chí được thể hiện
qua việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg. Cụ thể, để thực hiện quy chế phát ngôn,
tất cả các bộ, ngành, cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đều
cử NPN chính thức. Tuy nhiên, một số nơi thực hiện nhiệm vụ phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức, NPN khi gặp báo chí thì
đọc bài viết sẵn, phóng viên hỏi thêm thì xin trả lời sau hoặc để xin ý
kiến cấp trên…”.
Điều đáng nói là
tình trạng trên diễn ra ngay cả ở cơ quan bảo vệ pháp luật. Khoản 8 Điều
2 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Thanh tra
Chính phủ quy định cán bộ, công chức được báo chí đề nghị trả lời phỏng
vấn thì phải báo cáo, xin phép Tổng Thanh tra bằng văn bản ghi rõ nội
dung phỏng vấn và chỉ được trả lời phỏng vấn sau khi được Tổng Thanh tra
đồng ý (?!).
Mặt khác, Nghị định
02/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí,
xuất bản có đến hai điểm ở khoản 1 Điều 8 chống việc cản trở cung cấp
thông tin cho báo chí nhưng đến nay gần như chưa được thực hiện. Cụ
thể điều này quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 3
triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Cản trở việc cung cấp
thông tin cho báo chí của tổ chức, công dân; (b) Không cung cấp thông
tin cho báo chí theo quy định tại Điều 7 Luật Báo chí. |
(Theo phapluattp.vn)