Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 08/05/2013 08:11
Nữ thương binh bán vé số lấy tiền xây mộ đồng đội
Cách đây gần 50 năm, người nữ du kích đã có lời hứa danh dự với 20 đồng đội là mai này hòa bình nếu ai còn sống sẽ lo "mồ yên, mả đẹp" cho những người hi sinh.

Người nữ thương binh sống sót ấy đã dành dụm một phần lương hưu và tất cả tiền bán vé số hơn 12 năm qua, vì một mục tiêu duy nhất là thực hiện lời hứa với các đồng đội đã nằm xuống.

Lời thề với những đồng đội đã ngã  xuống

Mặc dù cơ thể đã mang nhiều thương tật do di chứng của chiến tranh, nhưng bà Đặng Thị Bảy (SN 1945, ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thương binh 1/4) vẫn rong ruổi khắp thôn ấp để bán vé số kiếm tiền, để thực hiện lời hứa với đồng đội cũ. Sau nhiều năm chờ đợi, khi chính quyền xã Long Hưng A khởi công xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của xã thì bà Bảy Nhỏ (tên thân mật của thương binh Đặng Thị Bảy) đến tìm gặp lãnh đạo của xã xin được đóng góp một số tiền là 70 triệu đồng vào công trình xây dựng nghĩa trang trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Bà Bảy bên các mộ phần của đồng đội.

Lãnh đạo xã lúc ấy biết bà Bảy Nhỏ vốn khó khăn, là một thương binh 1/4 với tỉ lệ thương tật là 89 %. Bà Bảy đã bị liệt nửa người, mất cảm giác một bên, còn bàn tay phải co quắp. Những bước chân di chuyển khó khăn, hàng ngày phải bán vé số để mưu sinh. Mọi người đều khuyên bà Bảy Nhỏ nên giữ lại số tiền để dưỡng già. Nhớ lại chuyện này, bà Bảy Nhỏ từ tốn cho biết: "Đây là số tiền tôi để dành hơn 12 năm qua, tôi đâu có đi vay đi mượn của ai đâu mà ngại ngùng. Ngày trước khi đi bộ đội, tôi cùng đồng đội được kết nạp Đảng. Chúng tôi cùng nhau thề rằng, sau này ai may mắn sống sót sẽ có bổn phận lo "mồ yên, mả đẹp" cho những người nằm xuống trước. Đến nay, tuổi tôi đã già, đây là tâm nguyện cuối cùng của tôi, nếu không thực hiện được nữa thì chẳng có dịp nào, tôi có chết cũng không nhắm mắt".

Cảm động trước tấm lòng của một người nữ thương binh, lãnh đạo xã Long Hưng A đón nhận số tiền ấy để đầu tư cho nghĩa trang xã thêm phần khang trang đáp ứng nguyện vọng của bà Bảy Nhỏ. Toàn bộ số tiền 70 triệu đồng được dùng để ốp gạch men cho 144 ngôi mộ của các chiến sĩ, trong đó có những đồng đội ngày trước đã vào sinh ra tử với bà. Lãnh đạo và người dân ở xã Long Hưng A vừa xúc động nhưng cũng tự hào trước tấm chân tình mà bà Bảy Nhỏ dành cho các đồng đội.

Được biết, Nghĩa trang liệt sĩ này là một trong ba nghĩa trang liệt sĩ cấp xã được đặc cách duy trì từ thời kháng chiến chống Mỹ, nên được đầu tư kinh phí xây dựng khá tương đối.  Khi bà Bảy Nhỏ góp tiền, nhiều hạng mục của công trình đã được hoàn thành như sơn mộ, tượng đài, sân và hàng rào... Với số tiền của bà Bảy Nhỏ đóng góp, sau khi cân nhắc vật tư, nhân công lãnh đạo xã quyết định hỏi ý kiến của bà Bảy Nhỏ để dùng số tiền 70 triệu đồng ốp gạch men cao cấp toàn bộ 144 ngôi mộ ở đây. Bà Bảy Nhỏ hoàn toàn đồng ý và thế là những ngôi mộ màu xanh ngọc bích lần lượt hiện lên trong nghĩa trang sạch đẹp mới xây. Đây là nghĩa trang duy nhất ở Đồng Tháp với toàn bộ mộ phần được ốp men mà không sử dụng kinh phí của Nhà nước.

Được biết, bà Bảy Nhỏ không có chồng, con nhưng bà là mẹ của ba đứa cháu gọi là cô và dì ruột. Lúc người anh trai thứ 5 của bà mất, thương cháu côi cút bà nhận về nuôi và đến nay đã trưởng thành có gia đình riêng. Mặc dù sức khỏe đã bị chiến tranh  huỷ hoại nhưng bà vẫn tảo tần hằng ngày buôn bán vé số để nuôi bốn miệng ăn trong gia đình. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai người nữ thương binh nhưng không hề làm bà nhụt chí. Bà Bảy Nhỏ đã vượt qua những khó khăn đó và thực hiện cho bằng được lời hứa năm xưa cùng đồng đội.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A.

Mãn nguyện

Ngôi nhà bà Bảy Nhỏ nằm không xa nơi các đồng đội đang yên nghỉ. Đến thăm bà Bảy Nhỏ trong lúc bà đi bán vé số chưa về, chúng tôi hồi hộp ngồi trông chờ đến giây phút được gặp người nữ thương binh được dân gọi là "người phụ nữ vĩ đại".

Chờ đến trưa, bà Bảy Nhỏ bước đi từng bước chậm rãi về nhà, chiếc nón lá, bộ bà ba miền Tây thấp thoáng từ xa. Sau vài câu chào hỏi, bà Bảy Nhỏ bắt đầu kể về cuộc đời mình. Năm 1958, lúc này bà 13 tuổi, được người anh trai thứ 5 giác ngộ bà Bảy Nhỏ tự nguyện đi theo cách mạng. Vì tuổi còn nhỏ, thân hình cũng nhỏ nhắn, nên cô bé Bảy Nhỏ được các anh, chị, cô chú trong đơn vị gọi thân mật là Bảy Nhỏ. Năm 1964, cô Bảy Nhỏ được tổ chức cho đi học một khóa hộ sinh. Cho đến năm 1965, cô Bảy Nhỏ cùng với 19 người đồng đội của mình vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Xã Long Hưng trước kia vốn là địa bàn trọng yếu của tỉnh ủy, huyện ủy nên bị địch thường xuyên ruồng bố, tuần tra. Những chiến sĩ hoạt động ở đây luôn sẵn sàng đối mặt với cái chết. Bà Bảy Nhỏ cho biết: "Chính vì nguyên nhân đó nên tôi cùng 19 Đảng viên  lúc đó đã có một lời hứa và tôi đã làm trọn lời hứa đó với những người đã nằm xuống".

Trong mưa bom lửa đạn chiến tranh, các đồng đội ngày ấy đã hi sinh gần hết. Bản thân bà Bảy Nhỏ vào thời điểm chiến dịch Mậu Thân cũng đã bị thương nặng trong một cuộc phản pháo của địch. Bà Bảy Nhỏ thoát chết nhưng cơ thể lại bị thương nghiêm trọng, ba mảnh đạn ghim vào đầu đến nay mỗi khi trái gió trở trời vẫn hành hạ bà không thôi. Bà Bảy Nhỏ kể lại: "Sau đợt trúng đạn ấy, tôi được đưa đi khắp các bệnh viện huyện, rồi tỉnh để điều trị. Hậu quả nó để lại là nửa người tôi bị liệt hoàn toàn. Phải hơn nửa năm sau tôi mới tập đi được như bây giờ". Vì tình hình sức khỏe nên bà Bảy Nhỏ được đơn vị phân công lo mua thuốc men cho các anh em, đến năm 1979 khi không còn sức để cống hiến nữa, bà được đơn vị cho về nghỉ dưỡng".

Khi nhận các cháu về nuôi, cả gia đình không thể trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi của bà được. Nên khi con cái đến độ tuổi đi học, chi phí của gia đình phải tăng lên, bà Bảy Nhỏ quyết định đi bán vé số. Hàng ngày, bà Bảy đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán vé số mưu sinh.

Bà Bảy Nhỏ cho biết: "Từ năm 1997, mỗi tháng lương tôi trích lại một phần để bỏ vô một con heo đất bự, tiền bán vé số tôi cũng bỏ vô hết. Chắt bóp đến đầu năm 2011, thì con heo đã chật cứng không thể nhét thêm được nữa tôi mới quyết đinh "mổ heo". Khó mà tả được tâm trạng của tôi lúc đó, ngồi đếm những tờ tiền bao nhiêu năm tích cóp tôi nghĩ ngay đến lời hứa với đồng đội". Số tiền mà bà Bảy Nhỏ để dành trong 12 năm được 72 triệu đồng. Đến khi khánh thành nghĩa trang, bà dùng 2 triệu đồng còn lại để mua heo quay cúng cho các đồng đội.

Tấm lòng của bà Bảy khiến cho người dân ở xã Long Hưng A vô cùng cảm động và tự hào về người con của vùng đất này. Bà Bảy Nhỏ mãn nguyện nói: "Cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được lời hứa của mình với các đồng đội đã ngã xuống. Bây giờ nếu có điều kiện tôi còn muốn làm nhiều điều cho nghĩa trang này nữa".

Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ bà Bảy Nhỏ không quên bước những bước đi chậm rãi đến nghĩa trang cũ để thắp cho các đồng đội một nén nhang rồi mới quay về. Chia tay bà Bảy Nhỏ trong cái nắng buổi trưa gay gắt, trên con đường nhựa dẫn đến nghĩa trang dáng bà bước đi liêu xiêu như sắp ngã với tập vé số trên tay tiếp tục cuộc mưu sinh. Cả cuộc đời bà Bảy Nhỏ cô đơn, không chồng con, tuổi thanh xuân đã gửi lại nơi chiến trường, nay về già bà lại dành trọn số tiền đáng cả gia tài để thực hiện lời hứa với đồng đội.

Chia tay chúng tôi, bà Bảy Nhỏ nở một nu cười hiền dịu lấp loá như ánh mặt trời rực rỡ...

Tấm lòng người thương binh cần được nhân rộng

Bà Nguyễn Thị Út Mai, phó chủ UBND xã Long Hưng A cho biết, hoàn cảnh của bà Bảy Nhỏ khó khăn mà bà vẫn quyết định góp tiền xây nghĩa trang xã khiến cho lãnh đạo xã rất cảm động. Mặc dù được khuyên ngăn hết lời bà Bảy Nhỏ vẫn cương quyết thực hiện lời hứa năm xưa với đồng đội. Nhờ vào sự đóng góp của bà Bảy mà nghĩa trang xã đã thêm phần khang trang, tươm tất. Đây là một tấm gương thương binh tiêu biểu cần được nhân rộng đi khắp nơi.




(Theo nguoiduatin.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)