Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Hoài Thanh: Người nhen lửa cho phê bình văn học nghệ thuật
Tài năng để rọi sáng tài năng
Đó
là điều được trở đi trở lại nhiều nhất trong số tham luận tưởng nhớ
Hoài Thanh. Để đi trọn con đường với văn chương, thiết nghĩ tài năng là
quan trọng nhất. Nhưng hai chữ này, chiếu qua cuộc đời và sự nghiệp
Hoài Thanh, lại mở ra nhiều vấn đề cho người phê bình VHNT.
Trước
hết, cái tài ở người "đãi cát tìm vàng" nhìn nhận, đánh giá tác phẩm
văn học có tác động lớn đến sự phát triển của những tài năng VHNT khác.
Nhà phê bình Vũ Quần Phương khẳng định: "Ông đã có một thiên tư nghệ
sĩ, đó là năng khiếu nắm bắt chất thơ. Chất thơ trong đời sống và trong
các bài thơ. Đó là những cảm nhận thần tình, không dễ có trong giới phê
bình". Trần Đăng Khoa, người có tuổi thơ "thơ" nhất và một tuổi trung
niên cũng đắm đuối với phê bình, thì nói: "Có khi chỉ điểm xuyết vài
lời, nhưng Hoài Thanh đã điểm trúng huyệt của nhà thơ. Và trong suốt
cuộc đời sau này, sự nghiệp của tác giả ấy cũng chỉ quanh trong vòng
nhận định của ông". Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: "Với sự tinh thông và chuẩn
xác, ông kiểm kê toàn bộ khu rừng Thơ mới rồi chỉ rõ đây là lim, kia là
táu, là vàng tâm và kia nữa là dổi, là chò…".
Tài
năng không chỉ làm rạng rỡ riêng sự nghiệp của nhà phê bình, nó góp
phần làm các tài năng khác trong VHNT được tỏa sáng. NQ 23 của Bộ Chính
trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới khẳng
định: "Tài năng là vốn quý của dân tộc. Chăm sóc tài năng là trách
nhiệm của Đảng và toàn xã hội". Kỳ họp thứ 6 Hội đồng LLPB VHNT TƯ cũng
thống nhất việc khẩn trương xây dựng quy chế khen thưởng các tác phẩm
LLPB chất lượng, hỗ trợ các tác giả trong thực hiện các công trình LLPB
với mức đầu tư từ 5 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đây chắc chắn là
một việc làm không nằm ngoài mục đích trân trọng tài năng, thúc đẩy
LLPB phát triển lành mạnh.
Nghĩ và học từ Hoài Thanh
"Thi nhân Việt
Nam"
từng gây sóng gió trong nhận định VHNT và của chính tác giả Hoài Thanh.
Nhưng không thể phủ nhận tính tiên phong và cả sự say mê dấn thân của
tác giả trong tác phẩm này. Trong bối cảnh hiện nay, thuận lời nhiều
nhưng thách thức cũng lắm, rất cần nhen lên ngọn lửa say mê và dấn thân
từ tấm gương một người thầy trong phê bình VHNT như thế. Nhà phê bình
Vũ Quần Phương tìm được một khía cạnh khác, cho thấy sự dấn thân cần có
của người làm LLPB. Đó là khi Hoài Thanh viết: "Nhà văn cũng phải hành
động như mọi người. Hành động bằng việc làm và bằng ngòi bút" (trong
cuốn "Văn chương và hành động" năm 1936 từng bị thực dân cấm lưu hành).
Nhà
phê bình Văn Giá thì đánh giá văn phê bình của Hoài Thanh thể hiện sự
"tinh tế, sang trọng, giàu có của tiếng Việt". Từ đây, Văn Giá nhận
định: "Trong lĩnh vực phê bình hiện nay còn không ít cây bút nghèo nàn
tiếng Việt… không đủ sức đồng hóa cái học từ người khác thành cái nghĩ,
cái cảm của mình". Dường như đây chính là "phông" văn hóa của người làm
phê bình - một vấn đề không nhỏ.
Lễ
tưởng niệm 100 năm Ngày sinh Hoài Thanh đã không dừng ở sự tưởng nhớ,
trân trọng. Sâu xa hơn, những gì ông để lại đã trở thành bài học, giúp
nhen ngọn lửa cho LLPB trong điều kiện hiện nay.
Theo Hà Nội Mới