 |
Nỗi lo trước giờ thi |
Rồi đến ngày thi vào lớp 10, ở các trường Trung học
phổ thông. Việc chọn những trường giỏi, trường tốt công lập, lại là mối
quan tâm của những người làm cha làm mẹ... Trường Amsterdam ư? Trường
Chu Văn An, trường PTTH Việt Đức... Được vào những trường ấy, thì con
mình như cũng được bảo đảm hơn và mình cũng mát mặt hơn người một chút.
Trước đây, hồi còn có thể chạy học ở những trường trái
tuyến, nhiều phụ huynh học sinh, có tiền, có thế, thường tìm đủ cách
“chạy cửa sau”, để con mình có thể vào học được những trường này. Mà
chạy được đâu có dễ, cũng khá vất vả, nào tìm bằng được những người
quen thân, nhờ vả chỉ vẽ cho mình, đến xin cho con được nhận đơn thi
vào. Nếu con học yếu thì có thể có những việc tiêu cực khác tiếp theo!
 |
Xứng danh người trúng tuyển các kỳ thi thời trước |
Mùa thi vào lớp 10, những năm gần đây đã khác. Trừ
trường chuyên, các học sinh không được học những trường trái tuyến nữa.
Ngày thi vào lớp 10 của các trường ở Hà Nội ở những địa điểm thi, đi
qua có khi tắc đường không đi nổi. Vẫn cái cảnh bố mẹ đem ôtô, xe máy
đưa con đi thi, rồi tụ lại ở cổng trường, ở vỉa hè, hoặc đậu xe chờ ở
ngay cả dưới lòng đường, và thế là đường tắc. Nhưng rồi cũng cố bảo
nhau để thông luồng. Những người qua đường cũng thông cảm với những
người đưa con đi thi... Sáng thi văn, chiều thi toán, đưa con đi thi
dẫu lòng cũng hồi hộp, lo lắng xem con mình làm bài có trót lọt không,
nhưng cũng có những niềm vui riêng. Đâu chỉ có bố mẹ lo cho con thi lớp
10, mà cả nhà bữa ấy đều ngong ngóng chờ cô bé hoặc cậu bé đi thi về,
để dò hỏi tình hình thi cử.
Nhưng Hà Nội, thường sôi động hơn cả là những ngày thi
vào đại học. Năm 1958, tôi từ quê Vĩnh Phúc về thi vào trường Đại học
Tổng hợp. Những năm ấy, phương tiện giao thông có xe lửa, ôtô tuyến ít
lắm, chuyến cũng thưa. Nhưng dạo ấy, cả miền Bắc chỉ có 5 trường đại
học ở Thủ đô, nên việc đi lại cũng không có gì khó khăn lắm. Nhưng bây
giờ thì khác. Hà Nội có tới hàng chục trường đại học. Các tỉnh xa, kể
cả những tỉnh Trung Trung Bộ cũng cất công về Hà Nội thi vào đại học.
 |
Rồi những ngày giáp ngày thi đã đến. Lại bố, mẹ những
tỉnh xa đưa con về thi. Nào tìm trường thi, tìm nhà trọ, những người ở
tỉnh xa về khá vất vả... Những nơi tập trung nhiều trường đại học như
mạn Cầu Giấy, mạn Thanh Xuân - Thủ Lệ, nhiều nhà dân, vốn là các làng
ngoại thành xưa, đất rộng, làm cả những dãy nhà cho sinh viên thuê, vào
mùa thi là nơi những thí sinh đi thi và người nhà tìm đến. Cả những
người có nhà rộng ở phố, có khi cũng cho thuê. Dọn một căn phòng, ở một
tầng lầu, giải một loạt chiếu trên đất, mỗi chiếc chiếu có màn, gối...
một đêm ở trọ trên mỗi chiếu ấy cũng tốn đến mấy chục nghìn bạc.
Nhưng ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên cũng thông cảm
với những người ở tỉnh xa về. Những sinh viên tình nguyện, tìm giúp
những học trò ở vùng xa về thi địa điểm trọ. Họ chia nhau đón thí sinh
xa về ở các bến xe và ga Hà Nội, rồi đưa cho những địa chỉ có thể thuê
được, các chung cư dành cho sinh viên có thể ghép những người bạn học
xa của mình đỡ vất vả tìm kiếm.
 |
Cũng có những gia đình trong phố, gần trường đại học,
hảo tâm, dọn buồng, dọn phòng của nhà mình dành cho thí sinh về thi
trọ không lấy tiền. Tú Xương trước đây có thơ về những người đi thi
xưa: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ ậm ọe quan trường miệng thét loa!”. Sĩ
tử thi đại học ở Thủ đô hiện nay, thời đại mới, đâu đến nỗi thế. Người
giàu có chẳng kể làm gì, mấy đêm ở nhà nghỉ hoặc khách sạn nào có là
bao. Chỉ khổ những người nghèo... Thi cử vất vả trong mùa nóng nực, lại
chui rúc vào những ô nhà cho thuê rẻ tiền, tiện nghi rất thiếu thốn.
Nhưng, con nhà nghèo quen chịu khổ, chịu khó... Và biết đâu, nhân tài
của đất nước sau này, lại chính là những người từng ở trong những ô nhà
nóng chết người này, trong những mùa thi.
Theo An Ninh Thủ Đô