Google mua tác quyền của nhà văn Việt Nam
Tự ý số hóa hàng triệu đầu sách, trong đó có hơn 4.000 tác phẩm của VN, dự án Google Books đối diện với vụ kiện tập thể liên quan đến tác quyền. Để đối phó, Google gửi thư đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học VN (VLCC) và các nhà văn đề nghị thỏa thuận.
Dự án Google Books được tập đoàn Google xây dựng từ nhiều năm nay. Google khẳng định, đây là thư viện sách trực tuyến
khổng lồ, giúp người dùng Internet có thể tìm, đọc sách một cách nhanh
chóng và hiệu quả nhất. Ngoài việc cung cấp cho độc giả thông tin cơ
bản về cuốn sách, mức giá, các bài phê bình, địa chỉ tìm mua, Google
Books còn cho phép người dùng xem một vài trang (Limited Preview) hoặc
các trích dẫn (Snippet View)... Tất nhiên, Google không xây dựng dự án
này với mục đích từ thiện. Họ thu lợi từ nguồn quảng cáo, hoặc trong
tương lai, có thể là các khoản phí truy cập từ người sử dụng.
Tuy nhiên, Liên đoàn quốc tế Các tổ chức quản lý tập
thể quyền sao chép cho rằng, đây là hành vi vi phạm bản quyền, vì
Google đã tự động số hóa tác phẩm mà không xin phép tác giả hoặc nhà
xuất bản, làm ảnh hưởng đến doanh thu của chủ sở hữu. Tổ chức này và
Hiệp hội NXB nhiều nước đệ đơn kiện
Google. Vụ kiện đã kéo dài từ 2004 đến nay. Nhằm đối phó, Google đề
nghị thương lượng tác quyền với các chủ sở hữu bằng cách gửi Thông báo
pháp lý đến các NXB, nhà văn và các trung tâm bản quyền ở nhiều nước
trên thế giới.
Trong hơn 50 trang in Thông báo Pháp lý gửi cho
(VLCC) và một số nhà văn VN, Google nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của
Việt Nam nếu hợp tác với Google. Theo đó, nếu phía Việt Nam đồng ý với
thỏa thuận và từ bỏ quyền khiếu nại Google, Google trả 60 USD (khoảng 1
triệu đồng) cho việc số hóa mỗi tác phẩm và 63% doanh thu từ mỗi lần sử
dụng tác phẩm. Đổi lại, Google được quyền quét và lưu trữ các cuốn sách
dưới dạng điện tử, bán quyền truy cập và tận dụng một số hình thức kinh
doanh khác từ tác phẩm. Nếu Việt Nam không đồng ý, ấn bản phẩm của các
tác giả Việt Nam sẽ không tồn tại trên công cụ tìm kiếm của Google.
Thời hạn cuối cùng để chủ sở hữu tác quyền tại Việt Nam trả lời là 30/9.
Theo VnExpress