Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 14/07/2009 09:01
Dự án thoát nước II tại Hà Nội: "Cống hộp" sông Tô Lịch, đền Đồng Cổ kêu cứu
Hạng mục cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê từ Cống Đõ đến ngã ba chợ Bưởi trên địa bàn phường Bưởi (quận Tây Hồ) thuộc Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II có thể sẽ rất khó thành hiện thực bởi đang vấp phải sự phản đối của BQL Di tích lịch sử Quốc gia đền Đồng Cổ. Theo BQL di tích đền Đồng Cổ, dự án này xâm hại nghiêm trọng đến di tích lịch sử đã xếp hạng và "chặt đầu" sông Tô Lịch.
Sông Tô sẽ như... rắn bị chặt đầu?

 

Hạng mục cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê (từ Cống Đõ đến ngã ba chợ Bưởi) là một hạng mục của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án II. Chỉ giới thu hồi đất để cải tạo mương Thuỵ Khuê chủ yếu tiếp giáp với tường rào của khu vực đền Đồng Cổ - ngôi đền hơn 1.000 tuổi được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Độ dài của tuyến mương nằm trong dự án này có chiều dài 1,5km, chạy từ chợ Bưởi đến giáp địa phận phường Thuỵ Khuê.

 

Dự án cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê từ ngã ba chợ Bưởi đến điểm tiếp giáp phường Thuỵ Khuê thực tế là đoạn sông Tô Lịch dài 1,5km. - Ảnh: Kiên Trung


Theo đó, phương án cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê được BQL dự án thoát nước Hà Nội - Dự án II đưa ra là bê tông hoá và cống hoá toàn bộ tuyến mương dài 1,5km này.

 

Cụ thể, theo thiết kế cơ sở, tuyến mương này sẽ được cống hoá bằng bê tông cốt thép với thiết diện là 3m x 3m x 02 cống; phía trên xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè… Cây cầu trên mương dẫn vào đền Đồng Cổ sẽ được thay thế bằng cống hộp và đường giao thông.

 

Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải sự phản đối của BQL di tích đền Đồng Cổ và nhiều hộ dân sống trên địa bàn phường Bưởi quận Tây Hồ. Lý do, nếu dự án này được triển khai, quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đền Đồng Cổ sẽ bị… tách thành hai phần và bị xâm hại nghiêm trọng.

 

Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Đồng Cổ. Cây cầu cổ bắc qua sông Tô dẫn vào đền rợp bóng cây cổ thụ. Cống Đõ -  miệng cống cổ nối sông Tô với Hồ Tây tại làng Hồ Khẩu cũ. Nếu bê tông hoá và cống hoá sông Tô, những hình ảnh này sẽ thành... dấu xưa. - Ảnh: Kiên Trung

Phản ánh tới VietNamNet, ông Hàn Tiến Nhâm - Ủy viên Ban quản lý di tích lịch sử đền Đồng Cổ bức xúc: Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đã nhập nhằng đánh tráo khái niệm, khi họ cho rằng đoạn sông Tô Lịch chảy trên địa bàn phường Bưởi là “mương Thuỵ Khuê”, và phương án bê tông hoá, cống hoá đoạn sông này sẽ “chẹn” đầu nguồn sông Tô, phá vỡ cảnh quan môi trường, kiến trúc của khu di tích đền Đồng Cổ.

 

Di tích lịch sử đền Đồng Cổ nằm quãng giữa của đường Thuỵ Khuê, từ ngã ba chợ Bưởi kéo dài đến số nhà 351 (đường Thuỵ Khuê). Mặt tiền của đền Đồng Cổ hướng ra phía sông Tô, lưng tiếp giáp với Hoàng thành (đường Hoàng Hoa Thám) với cây cầu cổ bắc ngang sông Tô dẫn vào đền.

 

Ông Hàn Tiến Nhâm bên cột đo mực nước Hồ Tây để làm căn cứ nâng hạ miệng cống để tiếp nước Hồ Tây cho sông Tô. - Ảnh: Kiên Trung


Từ di tích đền Đồng Cổ xuôi theo đường Thuỵ Khuê chừng 300m là cống Đõ - một miệng cống cổ nối sông Tô với Hồ Tây thuộc địa bàn làng Hồ Khẩu. Qua cửa cống này, sông Tô được nối thông với Hồ Tây và nhận được một lượng nước lớn từ hồ, giúp cho sông Tô có dòng thuỷ lưu để lưu thông.

 

Sông Tô chạy qua địa bàn phường Bưởi dài 1,5km, theo thời gian nay đã hẹp lòng, giống như một cái mương, nhưng nước vẫn rất xanh trong. Lần theo đường nước vòng vèo, từ cửa cống Đõ (làng Hồ Khẩu) chạy ra Hồ Tây chỉ vài trăm mét. Tại đây, người ta đã xây dựng một cửa cống hiện đại hai cửa, có cửa chắn bằng hệ thống thuỷ lực kiên cố để tiếp nước hồ Tây cho sông Tô.

 

Người dân làng Hồ Khẩu và phường Bưởi tự hào về dòng sông Tô chảy qua địa bàn phường mình từ hàng ngàn năm nay. Trong sử sách và trong tâm thức của họ, “thượng nguồn” của sông Tô chính là điểm nối từ miệng cống Đõ thông với hồ Tây. Trên bản đồ, nó giống như một con giao long mềm mại và đẹp đẽ.

 

Cho nên, việc bê tông hoá, cống hoá thượng nguồn sông Tô theo “Dự án cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê” khiến nhiều người bức xúc, vì như thế sông Tô sẽ bị chặn, giống như một con rắn bị… chặt đầu. Và quan trọng hơn, sẽ có một “con đường bê tông” nằm song song với đường Thuỵ Khuê và đường Hoàng Hoa Thám.

 

Ông Nhâm cho biết, rất có thể, người ta sẽ “trưng dụng” mặt cống phía trên dòng sông Tô để làm… bãi gửi xe!

 

Xâm hại di tích lịch sử

 

Trong phương án cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê, BQL DA thoát nước HN đưa ra phương án sẽ “cống hộp hoá” cây cầu cổ bắc qua sông Tô dẫn vào đền Đồng Cổ. Cây cầu này sẽ được thay thế bằng một con đường. Cùng với dòng sông Tô bị bê tông hoá, di tích lịch sử đền Đồng Cổ sẽ bị tách thành… 2 phần.

 

Ông Nhâm lo lắng, vì nếu sử dụng phương án này, cảnh quan di tích đền Đồng Cổ 1.000 tuổi sẽ bị phá vỡ. Nhưng điều các cụ cao tuổi trong BQL đền lo ngại hơn, đó là phong thuỷ của ngôi đền sẽ bị ảnh hưởng, khi mà dòng sông Tô bị “bịt” bằng bê tông.

 

Cửa cống hiện đại mới được xây dựng sát Hồ Tây thông với sông Tô Lịch. Làng Hồ Khẩu chính là thượng nguồn của sông Tô. - Ảnh: Kiên Trung


Trong đơn kiến nghị của BQL Di tích, Hội người cao tuổi - Hội cựu chiến binh phường Bưởi gửi tới VietNamNet, người dân đưa ra ý kiến về việc con sông Tô Lịch dài 13,5km đã được nạo vét và kè hai bên bờ, kết hợp với trồng cây xanh, thuỷ sinh…

 

Những tổ chức này nghi ngại, từ nhiều năm trước, tại sao đoạn sông dài 1,5km còn lại chạy qua phường Bưởi của dòng sông Tô, không áp dụng phương án này? Việc cống hoá, bê tông hoá sông Tô tại phường Bưởi, chưa nói đến yếu tố tâm linh - phong thuỷ, nhưng sẽ làm cảnh quan sông Tô thiếu sự đồng bộ.

 

Không chỉ người dân phường Bưởi phản đối, dự án bê tông hoá tuyến mương Thuỵ Khuê của BQL DA thoát nước Hà Nội đã được các ban ngành chức năng của Bộ VHTT và Du lịch… có ý kiến.

 

Trong công văn số 97/QLDT ngày 23/10/2008, Ban QL DT va DT (Sở VHTT và DL Hà Nội) đã yêu cầu BQL DA thoát nước HN phải xin ý kiến của Bộ VHTT và DL về việc cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê liên qua đến đền Đồng Cổ. Theo đó, di tích đền Đồng Cổ đã được Bộ VHTT xếp hạng Di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31/1/1992. Vị trí cải tạo tuyến mương Thuỵ Khuê đoạn qua đền Đồng Cổ nằm trong đất di tích lịch sử.

 

Qua hai cửa cống hiện đại này, nước hồ Tây được tuôn vào sông Tô. Ông Nhâm đang hồi tưởng lại dòng sông thơ mộng mà ngày xưa, ông vẫn bơi lội trên sông này. "Đây rõ ràng là sông Tô Lịch, chứ không phải mương Thuỵ Khuê như người ta nói...". Ảnh: Kiên Trung


Trong công văn số 1068 (ngày 10/12/2008) và CV số 292 (ngày 27/4/2009) gửi BQL DA thoát nước HN, Cục di sản văn hoá (Bộ VHTT và Du lịch) đã yêu cầu BQL DA thoát nước HN có phương án cải tạo cây cầu và bảo vệ ngôi đền, hệ thống cây cổ thụ dọc hai bên sông Tô đoạn qua đền Đồng Cổ, vì lý do dự án này đã xâm hại nghiêm trọng Di tích lịch sử Nhà nước xếp hạng.

 

Đền Đồng Cổ có được bảo tồn nguyên hiện trạng khi mà dự án bê tông hoá, cống hoá thượng nguồn sông Tô đi qua đây? Cũng như sông Tô có bị “chặn nguồn” cắt đứt lối thông với Hồ Tây hay không, vẫn còn nằm trong sự… phỏng đoán và hy vọng của các cụ cao tuổi trong BQL di tích đền Đồng Cổ!


Theo Vietnamnet

 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)