Phát biểu tại Hội nghị cấp cao NAM, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Phong trào Không liên kết
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh
tình hình thế giới thời gian qua có những biến động mới, tác động đến
NAM cũng như các nước thành viên. Xung đột và căng thẳng gia tăng tại
một số khu vực như Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, Nam Á, châu Phi...
Khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang cộng hưởng với vấn đề biến
đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, bệnh dịch... gây tác động
bất lợi đối với các nước đang phát triển, đe dọa những thành quả phát
triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, đặt ra thách thức lớn đối
với phát triển bền vững của các quốc gia.
|
Đoàn Chủ tịch Hội nghị cấp cao NAM tại phiên khai mạc. |
Chủ tịch Cuba Raul Castro, hiện
là Chủ tịch NAM, trong diễn văn khai mạc đã kêu gọi cần thiết lập một
trật tự tài chính thế giới mới. “Mỗi nước trên thế giới phải tìm các
giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải xây dựng
lại hệ thống tài chính thế giới có xem xét đến nhu cầu của các nước
đang phát triển”.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Ahmed
Abul Gheit cho rằng, hội nghị nhắm tới một trật tự quốc tế mới trong đó
không nên phân biệt đối xử giữa các nước khác biệt về quy mô kinh tế,
quân sự hay diện tích.
Phát biểu trong phiên thảo luận
chung của trưởng đoàn đại biểu các nước thành viên dự Hội nghị NAM, Chủ
tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, chủ đề “Đoàn kết quốc tế vì hòa
bình và phát triển” của hội nghị lần này thể hiện mong muốn hòa bình
của NAM, một trong những phong trào phấn đấu vì hòa bình lớn nhất của
thời đại.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
nhấn mạnh qua hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Việt
Nam đã thực hiện có kết quả chính sách đối ngoại cởi mở, từ đó mở rộng
quan hệ với tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới và nhiều tổ chức
quốc tế. Đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong
nhiều năm, thu được nhiều tiến bộ về xóa đói giảm nghèo, phát triển xã
hội và thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam coi
trọng mối quan hệ với NAM. Trên tinh thần đoàn kết và hợp tác vì lợi
ích chung, Việt Nam chú trọng mở rộng quan hệ kinh tế, triển khai các
hình thức giúp đỡ lẫn nhau với các nước NAM trong các lĩnh vực cụ thể
như nông nghiệp, y tế, giáo dục và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm phát
triển, trong đó có các biện pháp đối phó khủng hoảng kinh tế - tài
chính, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã
hội.
Bên lề Hội nghị NAM 15, ngày
15-7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Thủ tướng
Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ,
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị hai nước cần đẩy mạnh trao đổi
ở cấp cao thông qua các chuyến thăm song phương và gặp gỡ bên lề các
hội nghị quốc tế; tiến hành các cuộc đối thoại chiến lược và tham khảo
chính trị mà hai bên đã thỏa thuận; tăng cường phối hợp trên các diễn
đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác ASEAN - Ấn Độ, cấp cao Đông
Á, hợp tác sông Hằng - sông Mê Công, hợp tác Á - Âu, Phong trào Không
liên kết…
Trong cuộc gặp Thủ tướng Phần Lan
Matti Vanhanen, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị để tăng cường
hợp tác hơn nữa, chính phủ hai nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp và hàng hóa thâm nhập thị trường của nhau; tận dụng cơ hội
và tiềm năng để thúc đẩy thương mại hai chiều và đầu tư của Phần Lan
vào Việt Nam.
NAM được thành lập năm 1955 với
118 thành viên, đại diện cho 56% dân số thế giới. NAM có gồm 53 thành
viên thuộc châu Phi, 38 châu Á, 26 châu Mỹ Latinh và Caribe, 1 của châu
Âu (Belarus).
Theo Sài Gòn Giải Phóng