Index was outside the bounds of the array. Dấu tích kinh thành qua khám phá khảo cổ học
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ ba, 14/07/2015 10:14
Dấu tích kinh thành qua khám phá khảo cổ học

Bản thảo “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS. Tống Trung Tín biên soạn được Hội đồng nghiệm thu bản thảo thông qua vào ngày 8/7/2015.

 
Bóng dáng Kinh thành Thăng Long xưa được dần hiện lên từ quá khứ dưới những nhát cuốc của các nhà khảo cổ học, từ những cuộc khai quật ở Quần Ngựa vào những thập niên 70 của thế kỷ XX, đến những cuộc khảo cổ ở Đoan Môn, Hậu Lâu, Bắc Môn... trong những thập niên 90, và đặc biệt là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất cả nước đầu thế kỷ XXI tại 18 Hoàng Diệu. Những cuộc khai quật ấy đã phục dựng một Kinh đô Thăng Long với dấu tích Hoàng Thành tưởng như chỉ còn trong “cổ tích”, cùng hàng triệu các cổ vật quý giá được phát lộ. Có thể nói việc tìm lại những dấu tích lịch sử qua công tác khảo cổ học là một việc làm vô cùng khó khăn, vất vả. Và một trong số những người bổ từng nhát cuốc, tìm từng viên gạch, lần từng hạt sỏi, nối dòng thời gian, đưa chúng ta về với mảnh đất Thăng Long xưa là PGS.TS. Tống Trung Tín với công trình “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học”.
 
 
PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ biên đề tài trình bày khái quát nội dung trước Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Công trình “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” được PGS.TS. Tống Trung Tín biên soạn lên đến gần 400 trang. Nó vừa là công trình nghiên cứu khoa học vừa là một tập sách ảnh về khảo cổ học. Bởi đối tượng đề cập chính của đề tài là Kinh đô Thăng Long được thể hiện bằng hình ảnh qua các kết quả nghiên cứu. Cuốn sách không chỉ giới thiệu các cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhỏ về Kinh đô Thăng Long trong gần một thế kỷ mà còn tập hợp các kết quả nghiên cứu, các nhận định và những thông tin căn bản tới các nhà nghiên cứu và bạn đọc. Những thông tin ấy được minh chứng sinh động bằng các hình ảnh, bản vẽ, di tích, di vật tiêu biểu, có giá trị thẩm mỹ và tính khoa học cao. Qua đó, người đọc cũng sẽ nhận thức rõ được vai trò và những giá trị văn hóa - lịch sử quý báu của các phát hiện khảo cổ mà cha ông cha ta để lại.

Để ra được một tập bản thảo công phu như hiện nay, PGS.TS. Tống Trung Tín - chủ biên công trình - đã cất công nghiên cứu từ nhiều năm trước, lên bản đề cương chi tiết để Hội đồng thông qua từ tháng 8/2014, và bắt tay vào biên soạn, gia cố gần một năm. So với bản đề cương ban đầu thì tập bản thảo lần này có nhiều thay đổi căn bản, đặc biệt là về cấu trúc và bố cục bản thảo. Phó giáo sư Tín cùng các cộng sự đã có sự tiếp thu một cách nghiêm túc, không kém phần sáng tạo các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định đề cương.
 
 
Tham dự cuộc họp gồm Ban Quản lý Dự án, Hội đồng nghiệm thu và đại diện nhóm biên soạn đề tài. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Để nâng cao hơn nữa chất lượng bản thảo, Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức họp nghiệm thu vào chiều ngày mùng 8/7/2015. Buổi họp có sự tham gia của hai phản biện dầy dặn kinh nghiệm trong giới khảo cổ học là: PGS.TS. Hoàng Văn Khoán, PGS.TS. Hán Văn Khẩn, những nhà khoa học, sử học nổi tiếng: GS. Phan Huy Lê, PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS. Trình Năng Chung, TS. Nguyễn Văn Sơn nguyên là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cùng chủ đầu tư và các biên tập viên Nhà xuất bản.

Tại buổi họp, dưới sự chủ trì của GS. Phan Huy Lê nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận. Trước hết là về tên gọi bản thảo. Tên gọi của bản thảo được đặt ra ngay từ ban đầu là hoàn toàn hợp lý, duy chỉ có việc để “Kinh đô” hay “Kinh thành” là tùy thuộc vào nhóm biên soạn. Ngay từ chính cái tên, vấn đề căn bản và yêu cầu của cuốn sách đã được đặt ra. Nó nằm ở mệnh đề “Những khám phá khảo cổ học”. Mệnh đề này khẳng định rõ đây không phải là công trình chuyên khảo mà là một tập sách giới thiệu, hệ thống hóa và cập nhật những phát hiện khảo cổ học trong phạm vi kinh thành Thăng Long. Từ đó nó đưa ra những giới hạn, những khoanh vùng nhất định cho nội dung cuốn sách. Chính vì thế mà hai ý kiến rất sâu sắc của PGS.TS. Hoàng Văn Khoán đưa ra chưa thực sự phù hợp với nội dung công trình. Đó là những nghiên cứu về con dấu Sắc mệnh chi bảo của vua Trần Thái Tông và ý kiến về sức mạnh hội tụ và lan tỏa của Kinh Thành Thăng Long trong sự so sánh với những phát hiện khảo cổ học ở các địa phương khác (Hành cung Lỗ Giang Thái Bình, Chu Đậu Hải Dương, Trường Cửu Bình Định...). Đây là hai ý kiến rất hay nhưng cũng rất chuyên sâu. Nó không dành cho công trình này mà là sự gởi mở cho một công trình chuyên khảo khác.


GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Đứng về phía khảo cổ học, vấn đề thông tin cực kỳ quan trọng và có giá trị với độc giả. Thông tin nằm ở phần lời hay phần ảnh đều vô cùng quý giá. Các thành viên Hội đồng đều thống nhất phần lời trong bản thảo không cần nhiều, quan trọng là phần ảnh. Về phần ảnh, ảnh ở đây không quá đề cao tính mỹ thuật mà cái cần là những thông tin khoa học mà nó mang lại. Để đạt được điều đó, chủ biên công trình phải thực sự sáng suốt trong việc lựa chọn ảnh, các di tích, di vật cần có chú thích, chú giải đầy đủ, cung cấp các thông số kỹ thuật mang tính đặc thù về khảo cổ học... trong các bản ảnh, bản vẽ, bản đồ v.v... Và quan trọng hơn cả là phải có sự thống nhất trong toàn tập sách. Về phần lời, tuy ngắn gọn nhưng cần phải chặt chẽ. Đây là một đòi hỏi không hề dễ dàng đối với chủ biên công trình. Bởi lời càng ngắn bao nhiêu càng phải cô đọng, mạch lạc, súc tích bấy nhiêu. Tư liệu đưa ra cũng phải thật chính xác, đặc biệt là vấn đề niên đại.

Tuy PGS.TS. Tống Trung Tín đã chọn lọc những di tích, di vật tiêu biểu nhất, chú trọng đến những phát hiện mới chưa công bố rộng rãi như địa điểm Kính Thiên - Đoan Môn, Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao, địa điểm Cầu Giấy, Đào Tấn, Đội Cấn, Văn Cao, 62 - 64 Trần Phú… nhưng các nhà khoa học vẫn thấy thiếu vắng địa điểm Vườn Hồng, một địa điểm khảo cổ học với nhiều khám phá thú vị, dành được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Giáo sư Phan Huy Lê cùng các thành viên đều nhất trí với việc cần thiết phải bổ sung công bố một số báo cáo về các di tích, di vật của địa điểm này, để tăng tính cập nhật của cuốn sách.

Với tư cách là một thành viên Hội đồng, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án cũng đưa ra một vài ý kiến đóng góp hết sức xác đáng cho tập bản thảo. Theo ông, công trình này hoàn toàn không trùng lặp với những công trình khác. Thoát ly bản đề cương ban đầu, kết cấu của tập sách được chia thành 3 chương, khá phù hợp. Bên cạnh đó, ông còn chỉ rõ công trình không chỉ có tính hàn lâm mà còn mang đậm tính phổ cập. Cuốn sách ra đời không chỉ phục vụ giới nghiên cứu khoa học mà còn hướng đến bạn đọc phổ thông. Đây cũng chính là ưu điểm nổi trội của tập bản thảo.


Ông Lê Tiến Dũng, đại diện nhóm biên soạn phát biểu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Cũng tại buổi nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội - Ông Lê Tiến Dũng đã khẳng định tính cần thiết của bản thảo. Tổng Giám đốc cũng đánh giá cao tinh thần làm việc của Hội đồng, đồng thời lưu ý chủ biên cần tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo, và nhất là phải đảm bảo tiến độ đặt ra.
 
Có thể nói đây là cuốn sách rất cần thiết và có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Nó là một công trình được khá nhiều bạn đọc và các nhà khoa học chờ đợi. Hy vọng, bằng tài năng và sự nhiệt huyết của chủ biên cùng nhóm biên soạn, tập bản thảo sẽ sớm được hoàn thiện, đáp ứng sự kỳ vọng và lòng mong mỏi của độc giả.
 
 
Trang Phạm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)