Index was outside the bounds of the array. Văn hóa gia tộc Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu tộc ước, gia quy
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ hai, 31/08/2015 04:16
Văn hóa gia tộc Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu tộc ước, gia quy

Gia đình - họ tộc là một yếu tố hạt nhân trong các nền văn hóa mang đậm truyền thống phương Đông. Qua đời sống tinh thần của các dòng tộc có thể nói lên cả phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của một làng xã, một vùng đất và cả một đất nước. Văn hóa gia tộc, bởi thế, được coi là một trong những thành tố quan trọng mang tính nguồn cội, gốc tích của văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Tìm hiểu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội từ góc nhìn văn hóa gia tộc, đó là cách tiếp cận của đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước, gia quy” do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên trong khuôn khổ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

 
Đề tài được tổ chức nghiệm thu vào ngày 26/8/2015 tại Nhà xuất bản Hà Nội. Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án Nhà xuất bản Hà Nội, nhóm biên soạn cùng các biên tập viên Nhà xuất bản.
 
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên đề tài.
 
Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên hướng tới đối tượng nghiên cứu là Tộc ước, gia quy trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội - một loại hình văn bản mang tính luật tục được các dòng họ xây dựng, bảo lưu và có tác dụng chế ước điều tiết trong nội bộ các thành viên của gia tộc. Loại hình tư liệu này cũng được coi là một trong những di sản Hán Nôm quý giá, đóng vai trò như một nguồn tư liệu gốc, cung cấp những thông tin phong phú về đời sống các gia tộc truyền thống, gồm ý thức gia tộc, đời sống gia tộc, văn hóa tín ngưỡng gia tộc, các quan hệ gia tộc... Thông qua việc giới thiệu nguồn tư liệu này, đề tài cũng mong muốn làm rõ những nét đặc sắc, những dấu ấn nổi bật trong truyền thống phong tục, bản sắc văn hóa của mảnh đất kinh kỳ. Các văn bản được sưu tầm, tuyển dịch trong bản thảo phần lớn được lưu giữ tại Kho thư tịch của Viện nghiên cứu Hán Nôm, và cũng không ít là kết quả của những khảo sát thực tế, nghiên cứu điền dã của tập thể nhóm biên soạn trong nhiều năm từ trước khi đề tài bắt đầu được triển khai. Bản thảo công trình gần 2000 trang, bao gồm cả phần nguyên văn chữ Hán và phần dịch chú, được chia làm hai phần chính: phần nghiên cứu tổng quan và phần giới thiệu về văn bản tộc ước, gia quy.
 
Hội đồng nghiệm thu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, dân tộc học, đặc biệt là các chuyên gia về tư liệu Hán Nôm đã có nhiều đánh giá và đóng góp thiết thực về chất lượng công trình.
 
Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng  và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.
 
Các thành viên Hội đồng đều thống nhất đánh giá rất cao ý nghĩa, tính cần thiết của việc triển khai công trình, một mặt bởi chính những giá trị tự thân của nguồn tư liệu, mặt khác còn bởi đây là một đề tài mới mẻ, khai phá một mảng tư liệu đặc biệt mà từ trước tới nay chưa từng được công bố, hứa hẹn sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa truyền thống.
 
Các nhà khoa học cũng ghi nhận tâm huyết của tập thể biên soạn và chất lượng công trình, thể hiện qua bản thảo được biên soạn công phu, khối lượng tư liệu đồ sộ, phong phú, được dịch chú cẩn trọng, có độ tin cậy cao. Bài tổng quan được đánh giá cao về giá trị khoa học, với hàm lượng thông tin khá phong phú, bao quát, có tính định hướng cho người đọc khi tiếp cận khối tư liệu tộc ước, gia quy được giới thiệu ở phần sau.
 
Với sự thẩm định của các nhà nghiên cứu Hán Nôm như PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, TS. Nguyễn Hữu Mùi, hay các chuyên gia nghiên cứu về địa phương, về làng xã, dòng họ như PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, PGS.TS. Bùi Xuân Đính, nhiều vấn đề của bản thảo đã được phát hiện và đề xuất chỉnh sửa hợp lý nhằm nâng cao chất lượng công trình.
 
PGS.TS. Bùi Xuân Đính phát biểu ý kiến đóng góp với nhóm biên soạn.
 
Nhiều ý kiến nêu ra, trong đó đặc biệt ý kiến của PGS.TS. Bùi Xuân Đính nhấn mạnh việc chủ biên cần đầu tư thêm cho bài tổng quan, trong đó cần tập trung làm rõ hơn những giá trị đặc sắc, nổi bật của tư liệu tộc ước, gia quy (nguồn tư liệu gốc về văn hóa truyền thống; giá trị giáo dục đạo đức; giá trị về văn bản học...). Theo PGS.TS. Vũ Văn Quân, nếu tập thể biên soạn đã có những nghiên cứu độc lập về vấn đề tộc ước, gia quy thì hoàn toàn có thể bổ sung các công trình, bài viết này vào phần phụ lục để tăng thêm giá trị của công trình.
 
Bản thảo cũng cần phải có sự rà soát kỹ lưỡng về mặt phiên âm dịch chú các văn bản Hán Nôm, lưu ý về tên gọi địa danh sau những lần thay đổi địa giới hành chính... Bên cạnh đó nhóm biên soạn cũng cần lưu ý thống nhất về quy cách trình bày trong việc giới thiệu các văn bản tư liệu. Về vấn đề giải thích, chú giải các thuật ngữ, Hội đồng và chủ biên thống nhất chọn phương án chú thích theo từng trang. Hội đồng cũng nhấn mạnh đây là bản thảo có tính đặc thù nên việc chú thích cần phải cố gắng tối đa hết sức có thể nhằm hướng tới phục vụ đông đảo bạn đọc phổ thông.
 
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng.
 
Thay mặt Chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án cảm ơn các ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực của Hội đồng nghiệm thu đồng thời đề nghị tập thể nhóm biên soạn tiếp thu, chỉnh sửa, sớm hoàn thiện bản thảo theo đúng tiến độ đề ra.
 
Là nguồn tài liệu gốc giúp tìm hiểu về các di sản văn hóa làng xã cổ truyền và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, tộc ước, gia quy là sản phẩm văn hóa quý giá cần phải nghiên cứu và bảo tồn. Hy vọng công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy” sớm được xuất bản để giới thiệu đến bạn đọc ngày nay loại hình tư liệu đặc biệt và nhiều ý nghĩa này.
 
 
Hoàng Linh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)