Index was outside the bounds of the array. CHÂU BẢN “HỒNG BẢN” TRIỀU NGUYỄN, VĂN BẢN QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CỦA 11 TRIỀU VUA NGUYỄN
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ năm, 11/08/2016 08:43
CHÂU BẢN “HỒNG BẢN” TRIỀU NGUYỄN, VĂN BẢN QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CỦA 11 TRIỀU VUA NGUYỄN

 CHÂU là son hay sắc đỏ, Bản là chỉ văn bản tài liệu. Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn. 

 Cuốn sách do TS. Đào Thị Diễn chủ biên, NGND  GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng khoa học nghiệm thu bản thảo. Các uỷ viên: PGS. TS. Đinh Khắc Thuân – PGS. TS. Trần Thị Vinh – PGS. TS. Đào Tố Uyên – TS. Nguyễn Ngọc Thuận – PGS. TS. Vũ Văn Quân.

        Châu bản triều Nguyễn hiện nay được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Hà Nội, tính đến năm 2014 là 773 tập gốc (khoảng 85 nghìn văn bản của 11 triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.

        Một bộ văn bản điều hành quản lý Nhà nước của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đồ sộ, bài bản, phân cấp rõ ràng, được tàng thư tại nội các trong Hoàng cung đến 1945. Chuyển lưu trữ ra Viện Văn hoá Huế.

-       Văn bản do các Hoàng đế ban hành được đóng dấu son như chiếu, dụ, chỉ..

-       Văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son như: Tấu, Sớ, Khải...

      Châu bản lưu bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn trên văn bản như:

-        Châu điểm là một nét son được nhà vua chấm lên đầu văn bản sau khi xem duyệt và chuẩn tấu.

-        Châu phê là một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết thường ở đầu hoặc cuối văn bản thể hiện sự phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo, cũng có khi vua phê xen vào giữa các dòng văn bản chỗ thấy cần cho ý kiến.

-        Châu khuyên là những vòng son được nàh vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được chấp thuận.

-        Châu mạt, châu sổ, châu cải là những nét son chấm bên cạnh hoặc gạch sổ lên dòng chữ những chỗ nhà vua có ý phủ nhận hoặc bác bỏ trong văn bản và viết chữa lại bên cạnh.

       Đến nay sau nhiều lần sưu tầm, bổ sung số lượng Châu bản là 773 tập cụ thể như sau:

-        Triều Gia Long (1802-1919): 7 tập.

-        Triều Minh Mệnh (1820-1840): 86 tập.

-        Triều Thiệu Trị (1841-1847): 53 tập.

-        Triều Tự Đức (1848-1883): 382 tập.

-        Triều Kiến Phúc (1884): 1 tập.

-        Triều Hàm Nghi (1885-1886): 1 tập.

-        Triều Đồng Khánh (1886-1888): 26 tập.

-        Triều Thành Thái (1889-1907): 98 tập.

-        Triều Duy Tân (1907-1916): 54 tập.

-        Triều Khải Định (1916-1925): 10 tập.

-        Triều Bảo Đại (1926-1945): 55 tập.

      Xác định không gian Hà Nội từ đầu triều Nguyễn đến nay:

        Hà Nội thời thuộc Đường là phủ An Nam đô hộ, phủ trị đóng ở thành Đại La, năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) vua Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La đổi tên là Thăng Long, thiết đặt phủ Ứng Thiên thống nhiếp. Đầu đời Thiệu Bảo (nhà Trần) đổi tên Thăng Long thành Trung Kinh, thời thuộc Minh đổi là thành Đông Quan. Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) đổi Đông Quan làm Đông Kinh, còn gọi là Trung Đô. Năm Quang Thuận 10 (1469) đổi phủ Ứng Thiên là phủ Phụng Thiên quản lãnh 2 huyện Vĩnh Xương, Quảng Đức. Đời Tây Sơn đổi gọi là Bắc Thành.

Triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 4 (1805) đổi phủ Phụng Thiên làm phủ Hoài Đức vẫn gồm 2 huyện Thọ Xương (Vĩnh Xương đổi tên) và Vĩnh Thuận (Quảng Đức đổi tên).

       Năm Minh Mệnh 12 (1831) thành lập tỉnh Hà Nội, lấy 3 phủ Lý Nhân, Thường Tín, Ứng Hoà (Ứng Thiên đổi tên) thuộc trấn Sơn Nam Thượng và phủ Hoài Đức (lấy thêm huyện Từ Liêm thuộc trấn Sơn Tây) lệ thuộc vào thành 4 phủ gồm 15 huyện. Trong đó phủ Hoài Đức gồm 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm; phủ Ứng Hoà gồm 4 huyện Chương Đức, Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai; phủ Lý Nhân gồm 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xang và Thanh Liêm; phủ Thường Tín gồm 3 huyện là Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Năm 1883, phủ Hoài Đức sáp nhập thêm huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây. Năm 1890 tách 3 huyện Nam Xang, Bình Lục, Thanh Liêm của phủ Lý Nhân thành lập phủ Liêm Bình đặt thuộc tỉnh Nam Định; sau lại lấy toàn bộ 5 huyện của phủ Lý Nhân cũ (tức 3 huyện mới tách sang phủ Liêm Bình và 2 huyện còn lại của phủ Lý Nhân là Duy Tiên, Kim Bảng) gộp thêm 2 tổng Mộc Hoàn, Chuyên Nghiệp của huyện Phú Xuyên thành lập tỉnh Hà Nam.

       Ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội chủ yếu trên đất 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận; tháng 10 năm đó toàn bộ phần đất thuộc thành phố Hà Nội bị người Pháp lấy làm nhượng địa. Năm 1896 chuyển tỉnh lị Hà Nội về Cầu Đơ thuộc địa phận huyện Thanh Oai. Năm 1899 thành lập khu vực ngoại thành Hà Nội gồm các xã thuộc huyện Vĩnh Thuận nằm ngoài địa giới thành phố Hà Nội và một số xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì đặt dưới quyền một viên Đốc lý người Pháp. Năm 1902, để tránh trùng tên tỉnh Hà Nội và thành phố Hà Nội, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tên tỉnh  Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 lại đổi thành tỉnh Hà Đông. Năm 1914 tách khu vực ngoại thành Hà Nội sang tỉnh Hà Đông đặt thành huyện Hoàn Long.

      Như vậy địa giới thành phố Hà Nội chỉ còn khu vực nội thành thuộc đất 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận cũ.

      Sau Cách mạng tháng 8-1945, thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặt trực tiếp dưới quyền chính phủ Trung ương.

      Sau khi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, cả nước được chia thành 14 khu, thành phố Hà Nội thuộc Khu 11 cùng với 2 tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Tháng 1 năm 1948 hợp nhất các Khu thành Liên khu, thành phố Hà Nội được tách ra trực thuộc Trung ương, hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thuộc Liên khu 3.

      Năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây, năm 1975 tỉnh Hà Tây lại sáp nhập với tỉnh Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1991 tách trở lại thành Hà Tây và Hoà Bình.

      Ngày 21 tháng 12 năm 1978, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng hai huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 12 tháng 8 năm 1991 lại điều chỉnh địa giới của Thủ đô Hà nội, trong đó chuyển huyện Mê Linh của Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú; chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất của Hà Nội về tỉnh Hà Tây. Hà Nội còn lại 4 quận nội thành là Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và 5 huyện ngoại thành là Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm.

      Từ năm 1995 đến năm 2003 thành phố Hà Nội thành lập thêm 5 quận mới. Trong đó, quận Tây Hồ thành lập năm 1995 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 phường Bưởi, Thuỵ Khuê, Yên Phụ thuộc quận Ba Đình và 5 xã Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng thuộc huyện Từ Liêm.

      Năm 1996 thành lập quận Thanh Xuân trên cơ sở 5 phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Thượng Đình, Kim Giang, Phương Liệt và một phần đất đai, dân số của 2 phường Nguyễn Trãi, Khương Thượng thuộc quận Đống Đa cùng 2 xã Nhân Chính, Khương Đình thuộc huyện Thanh Trì.

      Thành lập quận Cầu Giấy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 thị trấn Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân , Mai Dịch và 3 xã Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà thuộc huyện Từ Liêm.

      Năm 2003 tách 10 xã và 3 thị trấn Gia Lâm, Đức Giang, Sài Đồng thuộc huyện Gia Lâm thành lập quận Long Biên.

      Tách 9 xã thuộc huyện Thanh Trì và 5 phường thuộc quận Hai Bà Trưng thành lập quận Hoàng Mai.

      Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, đặc biệt ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, qua đó toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình được sáp nhập về Hà Nội. Địa giới thành phố Hà Nội tính đến năm 2014 bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Trong đó 12 quận gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên. 17 huyện gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Quốc Oai, Mê Linh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Trì, Ứng Hoà và thị xã Sơn Tây.

     Hệ thống tư liệu được sắp xếp theo 4 chủ đề sau:

-        Địa giới hành chính.

-        Văn hoá giáo dục

-        Anh ninh xã hội.

-        Kinh tế thương mại

     Ngoài phần tiếng Việt,cuốn sách in tư liệu, văn bản dưới dạng nguyên bản chữ Hán tương ứng để đảm bảo tính khoa học và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tra cứu của độc giả.

      Xin giới thiệu Châu bản triều Nguyễn trong Tủ sách ra mắt đọc giả vào tháng 12 năm 2016.

                                                               

  LÊ BIỂU

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)