Index was outside the bounds of the array. PHỤ NỮ THĂNG LONG - HÀ NỘI - TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ hai, 07/11/2016 03:39
PHỤ NỮ THĂNG LONG - HÀ NỘI - TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

 Chiều ngày 03/11/2016, tại trụ sở Nhà xuất bản Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã tổ chức buổi họp nghiệm thu bản thảo “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội” - công trình do TS. Nguyễn Ngọc Mai chủ biên. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới.

 Bản thảo “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội” có dung lượng gần 400 trang, được bố cục thành 4 phần. Trên cơ sở khảo sát nguồn tư liệu phong phú, công trình tái hiện lại hình ảnh người phụ nữ  kinh kỳ qua từng giai đoạn lịch sử từ thời phong kiến đến nay và vai trò, vị thế của họ trên từng phương diện (quân sự, chính trị - xã hội, văn hóa, kinh tế, gia đình - gia tộc). Công trình cũng phân tích những thuận lợi, thách thức đồng thời nêu ra những định hướng kiến thức kỹ năng để người phụ nữ trong giai đoạn mới phát huy hết khả năng, vai trò của mình trên mọi lĩnh vực. Công trình được kỳ vọng là cuốn sách hấp dẫn, có ý nghĩa góp phần khẳng định những giá trị, phẩm chất, vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của phụ nữ trên mảnh đất nghìn năm đồng thời tôn vinh người phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội.

Các nhà nghiên cứu tham gia Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đều nhất trí đánh giá cao ý nghĩa và tính cần thiết của việc tổ chức biên soạn công trình này. Vốn dĩ  tư liệu viết về phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay không nhiều, nếu không muốn nói là rất hạn chế. Một cuốn sách có tính hệ thống về người phụ nữ đất nghìn năm qua từng thời kỳ lịch sử và trên nhiều phương diện trong thời điểm hiện nay thực sự là nguồn tư liệu quý, trang bị cho người đọc những tri thức cần thiết, từ đó có cách nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng như những đóng góp của họ đối với lịch sử trong quá khứ và hiện tại.

Hội đồng cũng nhấn mạnh, đây là đề tài khó, khó bởi sự hạn chế trong nguồn tư liệu tham khảo, và còn khó bởi đề tài yêu cầu bao quát trong phạm vi thời gian quá rộng và không gian nhiều sự thay đổi. Chính vì thế, Hội đồng đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết của chủ biên TS. Nguyễn Ngọc Mai và các cộng sự trong việc khảo cứu tư liệu để biên soạn công trình này. Bản thảo sơ bộ công trình bám sát với đề cương chi tiết đã được phê duyệt về kết cấu và nội dung, về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu của Dự án Tủ sách. Tuy nhiên Hội đồng cũng đề xuất nhiều ý kiến để hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản.

Trước hết, kết cấu của bản thảo hiện tại có phần dàn trải và trùng lặp - đó là nhận định chung của nhiều ý kiến nhận xét. Phần Mở đầu quá dài, trong đó những mô tả bối cảnh của Thăng Long quá chi tiết, dễ dẫn tới những sự lặp lại trong các phần sau. Theo đề xuất của GS.TS. Lê Hồng Lý, phần Mở đầu chỉ nên khái quát về sự hình thành và phát triển của Hà Nội theo không gian và lịch sử nói chung, còn lại, phần bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa liên quan trực tiếp đến phụ nữ nên đặt lên đầu mỗi giai đoạn của phần 1 (Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ) để thấy sự tác động trực tiếp của bối cảnh đối với đặc điểm, vai trò, vị thế của phụ nữ trong giai đoạn đó.

Một vấn đề nổi cộm khác, nhiều ý kiến Hội đồng cũng chỉ ra rằng bản thảo còn nặng về các kiến thức lịch sử và văn hóa thời kỳ trước, trong khi những đặc điểm cơ bản của phụ nữ giai đoạn hiện tại chưa được phân tích và luận giải một cách đúng mức. Là những người nghiên cứu sâu về xã hội học, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam cho rằng chủ biên cần bổ sung thêm tư liệu từ những kết quả nghiên cứu xã hội học được công bố trong thời gian gần đây.

Phần 3 (Những gương mặt phụ nữ Thăng Long - Hà Nội tiêu biểu) được đánh giá là một nội dung hấp dẫn và nếu viết tốt sẽ là một nội dung có giá trị. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng đây là nội dung cần cân nhắc. Việc lựa chọn nhân vật phụ nữ tiêu biểu cần phải xuất phát từ hệ thống tiêu chí rõ ràng. Theo GS.TS. Lê Thị Quý, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, phần 3 này có những nhân vật chưa thật sự tiêu biểu, bên cạnh đó còn nhiều gương mặt phụ nữ Thăng Long - Hà Nội có vai trò lớn, nhiều đóng góp cho mảnh đất này thì chưa được lựa chọn. Việc trình bày về các nhân vật cũng chưa có sự cân đối về dung lượng, về lĩnh vực… Theo các nhà nghiên cứu, nếu giữ lại phần 3 thì cần có sự đầu tư bổ sung kỹ lưỡng hơn nữa về mặt tư liệu, nếu không thì nên lồng ghép nội dung này vào các phần khác trong bản thảo.

Văn phong, lối diễn đạt của bản thảo được đánh giá là mạch lạc, giàu cảm xúc. Tuy nhiên theo TS. Bùi Thị Hồng Thái, trong toàn bộ cuốn sách, ở mỗi giai đoạn, mỗi vấn đề nên có những đánh giá, nhận định, bình luận cung cấp những cách phân tích, khái quát vấn đề, tránh trích dẫn quá nhiều làm cho cuốn sách trở thành một tài liệu chỉ mang tính tham khảo, tổng hợp từ những nguồn tài liệu khác.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng cũng nhấn mạnh chủ biên và nhóm biên soạn lưu ý việc đảm bảo tính chính xác của các thông tin, sự kiện lịch sử; trích dẫn nguồn đầy đủ và rà soát lỗi kỹ thuật trong bản thảo.

Về cơ bản, các nhà nghiên cứu ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết, công phu và đánh giá cao kết quả biên soạn bản thảo “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội” của nhóm biên soạn do TS. Nguyễn Ngọc Mai chủ biên. Sau cuộc họp, nhóm biên soạn sẽ tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để bản thảo đạt chất lượng tốt nhất trước khi xuất bản, giới thiệu đến bạn đọc.

Hoàng Linh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)