Index was outside the bounds of the array. Di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua nguồn tư liệu địa bạ của 2 huyện Chương Đức và Thượng Phúc
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ năm, 27/04/2017 02:30
Di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua nguồn tư liệu địa bạ của 2 huyện Chương Đức và Thượng Phúc

Địa bạ là nguồn tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện. Nó là một di sản văn hiến, một nguồn tài liệu quan trọng để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử và văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Với giá trị to lớn, việc xây dựng bộ “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tư liệu địa bạ” gồm 10 tập, do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên là vô cùng cần thiết. Công trình đồ sộ đó đã đi đến cuối chặng đường với việc nghiệm thu 2 bản thảo còn lại là “Tư liệu địa bạ huyện Chương Đức” và “Tư liệu địa bạ huyện Thượng Phúc”.

 
Buổi họp nghiệm thu được diễn ra vào chiều ngày 18/4/2017 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu Hán Nôm và sử học nổi tiếng như: GS.TSKH. Vũ Minh Giang (chủ tịch Hội đồng); 2 phản biện: TS. Nguyễn Ngọc Nhuận, PGS.TS. Trần Thị Vinh và các ủy viên: PGS.TS. Phạm Thùy Vinh, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ cùng đại diện Ban Quản lý Dự án và các biên tập viên Nhà xuất bản.
 
 
 
 
Theo nguyên tắc biên soạn của công trình, các tác giả đã lấy đơn vị huyện ở thời điểm lập địa bạ (thời Nguyễn, khoảng năm Gia Long thứ tư - 1805) để xây dựng bản thảo, nhằm đảm bảo tính lịch sử của nguồn tài liệu, nhưng vẫn có chú thích đối sánh rõ với đơn vị hành chính hiện nay để người đọc nắm được. Ở hai tập bản thảo này, huyện Chương Đức được chú là phần lớn huyện Chương Mỹ và huyện Thượng Phúc là huyện Thường Tín ngày nay. Hai tập địa bạ của Chương Đức và huyện Thượng Phúc có tổng cộng tư liệu của 20 tổng và 92 xã thôn. Trong đó, huyện Chương Đức có tư liệu địa bạ của 8 tổng, 18 xã; huyện Thượng Phúc có tư liệu của 12 tổng và 75 xã. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, số xã thôn trong một tổng của huyện Chương Đức ít hơn nhiều so với số xã thôn trong một tổng của huyện Thượng Phúc. Số trang bản thảo của huyện Thượng Phúc cũng dầy gấp 4 lần số trang bản thảo của huyện Chương Đức. Vấn đề đặt ra là, bản thân các huyện có số xã thôn thực tế như vậy hay nguồn tư liệu địa bạ chỉ còn được lưu giữ ở những xã thôn ấy? Từ câu chuyện đó, chúng ta có thể rút ra những so sánh về nguồn tư liệu địa bạ được lưu giữ hiện nay, cũng như thực trạng về tình hình ruộng đất của làng xã thời kỳ đó. Đây chính là điều mà người đọc thẩm định trăn trở, mong muốn tìm câu trả lời, không chỉ ở hai tập bản thảo này mà còn của chung bộ sách.
 
 
Về mặt bố cục, theo kết cấu chung của bộ tư liệu địa bạ, hai tập bản thảo có các phần mục tương đồng nhau gồm: Mục lục, Lời nói đầu, Từ vựng Hán - Việt trong địa bạ, Vài nét về huyện và nguồn tư liệu địa bạ và Bản dịch địa bạ sang tiếng Việt. Trong mỗi bản dịch cũng được sắp xếp theo thứ tự: 1. Giáp giới; 2. Bản xã công tư điền thổ; 3. Loại khác; 4. Ruộng đất nơi khác tại địa phận bản xã; 5. Chức dịch… Địa danh tổng, xã, thôn đều có chữ Hán kèm theo. Cấu trúc mỗi bản dịch của hai bản thảo từ đấu đến cuối đều hoàn chỉnh, khoa học và khá thống nhất, dễ theo dõi. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ 8 tập bản thảo đã nghiệm thu trước, hai tập bản thảo này đã có Lời nói đầu và phần Từ vựng Hán - Việt trong địa bạ. Tuy nhiên, phần nghiên cứu về địa phương và nguồn tư liệu địa bạ của địa phương ấy còn chưa được bổ sung, cũng như mục phàm lệ và sách dẫn. Đây là những thiếu sót mà Hội đồng đã có lưu ý với nhóm biên soạn.
 
Về mặt nội dung, bản dịch của các bản địa bạ của mỗi xã, thôn được dịch khá tốt. Tuy nhiên việc chuyển nghĩa về nhân danh và địa danh đôi chỗ chưa được chuẩn xác. Hiện tượng xảy ra khá nhiều ở tập bản thảo huyện Chương Đức. Có thể do lỗi font chữ khi in ra, nhất là đối với font chữ Nôm. Việc dịch chữ Hán sang tiếng Việt có chỗ cũng chưa đúng và chưa thống nhất. Tất cả những lỗi đó đều được các thành viên Hội đồng chỉ rõ, đặc biệt là từ hai chuyên gia đầu ngành là: TS. Nguyễn Ngọc Nhuận (nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và PGS.TS. Phạm Thùy Vinh (cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm). 
Vấn đề phiên âm và dịch nghĩa hết sức quan trọng đối với loại bản thảo này. Nó là cơ sở và tư liệu chuẩn để phục vụ cho công tác nghiên cứu dài lâu. Bởi vậy, với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, các tác giả cần cố gắng đảm bảo phiên âm, dịch nghĩa chính xác hết mức có thể. Cách dịch một từ lặp lại nhiều lần cần thống nhất (trừ những trường hợp trong văn cảnh cụ thể), chọn cách phiên âm sao cho người đọc dễ hiểu nhất. Với những văn bản gốc có chữ bị mất hoặc mòn mờ, không dịch được, các tác giả cần chú thích rõ ràng, hoặc có thể giới thuyết trong phần phàm lệ hoặc Lời nói đầu của tập sách, tránh để người đọc hiểu sai là bỏ sót.
 
 
 
 
        Tại buổi họp, với tư cách là đại diện chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản có đôi lời phát biểu, cám ơn những ý kiến đóng góp qúy báu của Hội đồng. Với tư cách là người đọc thẩm định, ông cho rằng phần Lời nói đầu cho các tập sách cần phải đầu tư kỹ hơn nữa, bổ sung sớm thông tin của từng huyện để thấy được những đặc điểm riêng biệt của mỗi địa phương, từ đó có thể lý giải phần nào những đặc trưng về tình hình ruộng đất của địa bàn huyện. Việc dịch văn bản cần Việt hóa tối đa để bạn đọc dễ hiểu, dễ đọc. Hơn thế, đối với loại sách này, các tác giả nên bổ sung thêm bản vẽ, bản đồ hoặc một số văn bản tư liệu gốc (bằng chữ Hán - Nôm) để cuốn sách thêm phần sinh động và tăng tính chân thực của bản dịch.
Tóm lại, Hội đồng nghiệm thu đánh giá hai tập bản thảo cuối cùng này là những công trình nghiêm túc và có chất lượng cao. Đây là điểm kết thúc và cũng là điểm mở đầu cho công cuộc rà soát và chuẩn chỉnh lại toàn bộ công trình “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” (10 tập) từ việc bổ sung bài giới thuyết, nguồn tư liệu, phàm lệ, từ vựng, sách dẫn, bản vẽ, bản đồ… đến việc hoàn thiện các bản dịch v.v… Sao cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” có một bộ địa bạ của Hà Nội vừa mang tính hàn lâm, khoa học vừa mang tính phổ thông phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước.
 
Trang Phạm
 
 
 
 
 
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)