Ký ức Hà Nội qua “Hà Nội ngày ấy” của Nguyễn Bá Đạm
Là một người con của Thăng Long - Hà Nội, chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội trong gần 1 thế kỷ dâu bể, cụ Nguyễn Bá Đạm luôn đau đáu việc gìn giữ những hình ảnh thân thuộc về Hà Nội. Và ở cái tuổi xưa nay hiếm, bằng cách riêng của mình, cụ đã âm thầm cống hiến cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, những lối sống tốt đẹp của thủ đô. Không phải một họa sĩ, dù là người bạn tri kỷ, bạn tâm giao của bộ tứ danh họa Việt Nam, không phải người viết sử dù là một thầy giáo dạy lịch sử nhưng bằng những câu chuyện kể, cụ Nguyễn Bá Đạm đã phục dựng lại trong chúng ta diện mạo Hà Nội xưa. Bản thân là một nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội, những câu chuyện của cụ thật bình dị, thật gần gũi, quen thuộc với mỗi người Hà Nội. Hà Nội ngày ấy như một cuốn phim ký sự về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.
Với lối viết đơn giản, ngắn gọn, không hoa mỹ nhưng bạn đọc vẫn có thể thấy thấm đẫm trong từng trang viết là một tình cảm thân thiết, triều mến với Hà Nội, là những màu sắc văn hóa đặc trưng của Hà Nội mà có lẽ chỉ người Hà Nội mới có thể diễn tả chính xác. Không biết tự lúc nào người đọc thấy mình thả hồn mình lang thang theo những mẩu chuyện hấp dẫn về những gương mặt Hà Nội xưa: những cụ lang, cụ tổng cờ, nhà thầu khoán, thợ mộc, thầy giáo… Không phải tất cả họ đều là những người nổi tiếng, có người dường như chỉ xuất hiện thoáng qua trong vô vàn gương mặt của Hà Nội ngày ấy, có những người chỉ còn tồn tại trong ký ức của vài người … nhưng tất cả họ làm nên hình ảnh về người Hà Nội chân thực đến không ngờ.
Ít ai nghĩ rằng, một bức hình cũ, một bức tranh nơi góc khuất, một cuốn sổ ố vàng… qua chuyện kể của cụ Nguyễn Bá Đạm lại gợi mở nhiều điều thú vị đến vậy. Đơn cử truyện Tấm ảnh nửa người tưởng như chỉ là một kỷ niệm vui khi đi chụp bức hình đầu tiên của cụ Đạm lúc 15, 16 tuổi nhưng đằng sau nó lại gợi cho chúng ta nhiều liên tưởng: về một Hà Nội giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, về cách thức về tâm trạng của người Hà Nội trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây… Hay truyện về nhà thầu khoán Đỗ Hữu Thục là hình ảnh đại diện của những nhà “tư sản nhỏ” Hà Nội vật lộn để gây dựng sự nghiệp, khó khăn thất bại không nản chí, cố gắng cạnh tranh trước áp lực của “tư sản phương Tây”… Trong mỗi câu chuyện của cụ Đạm, người Hà Nội - nhất là thế hệ các bậc cao niên dễ dàng tìm thấy hình ảnh bản thân mình, hình ảnh Hà Nội mà họ quen thuộc trong đó. Không có gì là quá đáng khi nói rằng, cụ Nguyễn Bá Đạm là một kho tư liệu sống về Hà Nội nhất là ở những điều bình thường nhất, những điều ít người được biết. Ký ức Hà Nội trong Hà Nội ngày ấy là những còn người của mọi tầng lớp, giai cấp, mọi lứa tuổi: trí thức, văn nghệ sĩ, thương nhân, nông dân, thợ thủ công, những cô cậu học trò,…; là những mái trường, ngôi chùa, làng quê bình dị thân thuộc; là những hội làng, ngày lễ, ngày tết… đậm màu sắc “cổ truyền”… Xen lẫn giữa những câu chuyện mà tác giả chứng kiến, nhớ lại là những kỷ niệm của chính bản thân tác giả. Dường như Nguyễn Bá Đạm đang kể chuyện đời cũng là đang kể chuyện mình. Những bút ký ghi lại những việc nhỏ nhặt nhưng thú vị ấy là những tài liệu quý giá đối với những người sưu tầm, người muốn phục dựng lại hình ảnh Hà Nội xưa. Với những đóng góp của mình, tháng 8/2018, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm đã được tặng Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Độc giả quen thuộc của Nhà xuất bản Hà Nội chắc đã từng biết đến nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm qua “Thưở ấy Hà Nội” - Sách phổ thông xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I. Tiếp nối thành công ấy, tiếp nối mạch văn với những nét phác họa về con người, đời sống, phong tục, sự kiện… của Hà Nội trong giai đoạn II dự án Tủ sách, Nhà xuất bản Hà Nội tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách Hà Nội ngày ấy của nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm. Đây là một cuốn sách nhẹ nhàng, dễ đọc và không kém phần hấp dẫn dành cho đông đảo đối tượng độc giả quan tâm, yêu mến Hà Nội. Hy vọng rằng qua cuốn sách bạn đọc sẽ lưu giữ cho riêng mình ký ức về một Hà Nội chân thực nhất. Sách đã được Nhà xuất bản Hà Nội đưa vào kế hoạch xuất bản Quý III/2019.
Lâm Hoàng