Đâu là “chảo lửa” của bóng đá Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước
Trong cuốn “Sương người bóng phố”- tác giả Trần Chiến, người sinh ra, lớn lên và gắn bó nhiều năm với mảnh đất này viết: “Vượt khỏi con đê bươn xuống nhà cửa thưa thớt, ngô đậu lạc xanh ngắt. Lũ chúng tôi trốn nhà trốn học xuống đây quần quả bóng da mỏng dính, méo mó vì khâu đi khâu lại (ông thợ giầy vá bóng cùng những ông hàn dép nhựa, áo mưa kiếm rất dễ). Long Biên là sân tập của đội bóng đá Thiếu niên Hà Nội, với những Long “tài vượng”, Mằn “mèo”, Cầu “điên”… Ngước lên thấy những ông anh Tô Hiền, Sơn “rỗ” của đội Công an Hà Nội chơi ma, thầy Nghẽn bắt sút vào bức tường xi măng kẻ ô đánh số tượng trưng cho khung thành. Hai sân lớn rộng mênh mông, nhiều sân nhỏ tha hồ luyện, lại một khung sắt làm con đường hẹp trên cao cho những chú thích trò dũng cảm. Quần thảo xong ra sông Hồng tắm, giữa trời nước mênh mông dậy lên giấc mơ cầu thủ.”
Rồi chiến tranh nghèo đói, thời bao cấp bần hàn…người tứ chiếng đổ về ngoạm quá nửa sân Long Biên. Bên kia cầu, Phúc Xá trở thành chợ hoa quả. Long Biên vẫn còn hai cột gôn to đoành hai đầu nhưng đã chia ba…
Vương Hà