Hà Nội từ góc nhìn văn chương
Phẩm chất hà Nội gắn với văn hóa Hà Nội, mà trong văn hóa có một bộ phận hết sức quan trọng chính là văn học, nhất là khi nghiên cứu nó như một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Xuất phát từ quan niệm đó, NXB Hà Nội đã giới thiệu tới bạn đọc cuốn “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” của nhà nghiên cứu phê bình Bùi Việt Thắng, nguyên giảng viên chính, Phó trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), người đã có hơn 40 năm theo sát tiến trình văn học Việt Nam đương đại.
Với 35 bài viết về 34 tác giả được chắt lọc hết sức kỹ càng trải dài suốt hơn một phần tư thế kỷ, tác giả đã đem đến cho người đọc những kiến thức sâu sắc về nhiều tác giả-tác phẩm nổi tiếng đã từng sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Từ “Hoàng Ngọc Phách và Tố Tâm-tác phẩm mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”, qua “Thạch Lam-người chắt chiu cái đẹp”, “Văn hóa nhà văn-bài học từ Vũ Bằng”, “Cảm nhận về xuân và tết trong Chuyện cũ Hà Nội cuả Tô Hoài”, “Vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương trong Người lái đò sông Đà”, để đến “Phố Thúy” và “Hiện tượng Phạm Quang Long”. Cuối cùng, trước khi gấp tập sách lại là “Tết đến xuân về…xin chữ” – một nét đẹp của người Hà Nội, người Việt Nam đồng thời cũng là tựa đề cuốn sách của tác giả Phạm Quang Nghị. Mội người mỗi vẻ, mỗi khía cạnh đặc trưng, bằng tác phẩm của mình đã góp một cái nhìn đa diện, phong phú sinh động cho văn chương Hà Nội.
Thu Hương