Thoi thóp làng nghề thủ công Hà Nội sau cách mạng Tháng Tám
Đọc cuốn “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội” do TS Đinh Hạnh làm chủ biên mới thấy các làng nghề thủ công Hà Nội đã gặp khó khăn ra sao sau Cách mạng Tháng Tám giai đoạn 1946-1954. Các làng nghề được khuyến khích phát triển nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh đã thiếu nguyên liệu trầm trọng, sản xuất đình đốn, máy móc bị hư hỏng, nhiều thợ giỏi phải bỏ nghề. Chỉ có tại các vùng tự do, các làng nghề được tập trung phát triển nhằm cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội. Do vậy, một số làng nghề dệt vải thủ công, dệt lưới, nuôi tằm, làm giấy viết, đan lát, nón lá... ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì vẫn cố gắng duy trì hoạt động.
Cuốn “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội”, viết: Năm 1954, Hà Nội có 496 cơ sở sản xuất thủ công nghiệp tự doanh, với khoảng 5.000 lao động. Tuy nhiên, đến năm 1955 thì hầu hết cơ sở này rơi vào tình trạng đình đốn. Sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng, như: Lụa, the, lĩnh, đăng ten, khảm trai, chạm bạc... không có nơi tiêu thụ. Giá cả và nạn đầu cơ tích trữ nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng, lương thực ngày càng tăng cao.
Rất nhiều làng nghề thủ công ở Hà Nội phải đóng cửa, trong khi một số làng nghề cố gắng duy trì hoạt động nhưng vẫn phải sống trong tình trạng thoi thóp. Chỉ có một số làng nghề sản xuất các mặt hàng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày được duy trì ở mức độ nhất định, nhưng gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu nguyên liệu.
Hữu Trưởng