Lê Thánh Tông-giai đoạn phát triển toàn thịnh của triều Lê
100 năm Vương triều Lê sơ, triều đại vua Lê Thánh Tông được xem là giai đoạn phát triển toàn thịnh nhất trên nhiều lĩnh vực. Ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã nhanh chóng dẹp cuộc nội chiến binh quyền triều Lê, trị tội bọn nghịch phản đã mưu hại vua Lê Nhân Tông, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền quan liêu theo mô hình Nho giáo, tiến hành cải cách hành chính theo quy mô lớn, toàn diện, trọng dụng người tài thông qua các kỳ thi được ấn định rõ ràng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, có nhiều chính sách phát triển kinh tế...
Cuốn “Vương triều Lê (1428-1527) do GS. TS Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên đã dành dung lượng lớn để viết, nghiên cứu về cách trị nước của vua Lê Thánh Tông. Trong đó, cuốn sách này đưa ra nhiều tư liệu, bằng chứng cho thấy Lê Thánh Tông là vị hoàng đế có công trạng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc. Trong suốt 38 năm trị vì đất nước, Lê Thánh Tông đã giúp Đại Việt có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực về văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục... Điều đáng nói ngay từ nhỏ Lê Thánh Tông chưa từng có ý nghĩ làm vua. Ngay từ nhỏ, ông bị vua Lê Thái Tông bỏ rơi vì hiểu lầm với người mẹ đẻ Ngô Thị Ngọc Dao. Những tháng ngày học tập, đọc sách, rèn luyện đã tôi luyện cho Lê Thánh Tông một trí tuệ lỗi lạc, một nghị lực phi thường. Không chỉ được biết đến là một minh quân, Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ, một nhà văn hóa lớn. Trong đó có thể kể tới tập thơ “Quỳnh uyển cửu ca” do ông cùng 28 người sáng tác, hay còn gọi là “nhị thập bát tú” hay “hội Tao đàn”. Nước Đại Việt thời kỳ này phát triển trên mọi mặt, trở thành một vương quốc thái bình, thịnh vượng ở vùng Đông Nam châu Á.
Hữu Trưởng