Tìm hiểu về tín ngưỡng thành hoàng qua thần tích Hà Nội
Từ trước đến nay, ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về thành hoàng, như “Nghiên cứu ngôi đình và thành hoàng làng ở Bắc Kỳ” của Nguyễn Văn Khoan, “Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam” của Nguyễn Duy Hinh, “Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long-Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc hay các công trình và luận án liên quan đến nghiên cứu về thành hoàng như “Việt Nam văn hóa sử cương” trong cuốn “Nghiên cứu văn hóa và ngữ văn” của Đào Duy Anh, “Tín ngưỡng Việt Nam” của Toan Ánh... Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Thần tích Hà Nội” do PGS. TS Nguyễn Thị Oanh làm chủ biên mang đến cho bạn đọc một góc tiếp cận nghiên cứu mới về thành hoàng mà những cuốn sách trước đó chưa thực hiện.
Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Thần tích Hà Nội” tập trung nghiên cứu khái quát về thành hoàng và tín ngưỡng thành hoàng ở Trung Quốc, thành hoàng và tư liệu về thành hoàng ở Việt Nam, thống kê về thần tích thành hoàng ở Hà Nội, công tích của thần thành hoàng, kết cấu thần tích thành hoàng... Theo đó, Thành hoàng có thể hiểu theo nghĩa “thành lũy và hào sâu bảo vệ thành”, “phiếm chỉ thành trì nói chung” và “thần bảo vệ thành trì”. Cuốn sách này đã nghiên cứu về hơn ba chục bản thần tích ghi hai chữ “Thành hoàng” tại Hà Nội đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tín ngưỡng thờ thành hoàng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hữu Trưởng