Truyền thuyết việc vua Lê Thái Tổ để con thứ nối ngôi
Thay vì để con trưởng Tư Tề nối ngôi, vua Lê Thái Tổ đã quyết định để con thứ Nguyên Long kế thừa tông thống. Sở dĩ có việc như vậy bởi Tư Tề được biết đến là người ngang ngược với thần, khinh lờn cả trời, không hiếu thảo với cha mẹ, không noi theo đường lối của các hiền triết xưa. Trong khi, Nguyên Long tuy nhỏ tuổi nhưng đã bộc lộ phẩm chất thông minh, tính nhân từ hiếu thảo, được mọi người hòa thuận tin theo. Vì vậy sau khi vua Lê Thái Tổ qua đời năm 1433, Thái tử Nguyên Long lên ngôi Hoàng Đế khi mới 11 tuổi, song không cần phải nhờ mẫu hậu buông rèm.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến vua Lê Thái Tổ nhường ngôi cho con thứ. Cuốn “Vương triều Lê (1428-1527) do GS. TS Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên đã đưa ra chi tiết việc Lê Thái Tổ nhường ngôi cho Nguyên Long là vì thực hiện lời hứa xưa. Theo đó, năm 1425 Lê Lợi đem quân tiến đánh Nghệ An, sức quân Minh lúc đó còn rất mạnh. Trong một lần ngủ cạnh đền thờ thần Phổ Hộ, Lê Lợi đã chiêm bao thấy một vị thần báo mộng yêu cầu ông nhường cho một người thiếp rồi sẽ phù hộ đánh tan giặc Minh. Ngày hôm sau Lê Lợi gọi các bà vợ đến và hứa nếu ai chịu chết làm vợ thủy thần thì sau này ông sẽ truyền ngôi cho con người đó. Lúc này bà Phạm Thị Ngọc Trần (tức mẹ của Nguyên Long) đã nguyện xả thân xin chết, sau đó quân Lam Sơn đại thắng.
Được thừa hưởng một nền tảng bộ máy do Lê Thái Tổ xây dựng và các đại thần phụ chính giúp sức, trong 3 năm đầu trị vì trên ngôi báu, Lê Thái Tông đã điều hành đất nước ổn định, tăng cường phát triển lực lượng quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì và từng bước phát triển văn hóa, giáo dục.
Hữu Trưởng