Giá trị của thần tích Hà Nội đối với lịch sử và văn học
Theo thống kê từ 143 phường, thôn, xã của Hà Nội có 75 thần tích (do Nguyễn Bính soạn, Nguyễn Hiền sao chép); 21 bản sao thần tích do các tác giả khác biên soạn hoặc sao chép. Theo Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Thần tích Hà Nội” do PGS. TS Nguyễn Thị Oanh làm chủ biên, thần tích có hai giá trị lớn là giá trị về mặt lịch sử và giá trị về mặt văn học. Trong đó, giá trị về mặt lịch sử được các tác giả trong cuốn sách này đúc kết, thần tích được sáng tác xuất phát từ mục đích tôn vinh lịch sử và là việc làm được các triều đại phong kiến nước ta coi trọng nhằm mục đích lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền. Trước khi đưa vào thờ tự ở đình đền, miếu mạo thì các sự tích về thần đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, trong cộng đồng làng xã. Giá trị về mặt văn học được thể hiện qua mô típ của truyền thuyết dân gian được sử dụng đậm đặc. Đó là các mô típ sinh đẻ thần kỳ, chiến công phi thường và hóa thân thần kỳ. Ba mô típ này được sử dụng như ba chặng chủ yếu của cốt truyện mà từ đó những chi tiết phụ được xâu chuỗi xung quanh.
Thần tích đã dùng những yếu tố kỳ ảo để biểu hiện niềm tin của người dân vào tính thiêng của các vị thần trong tín ngưỡng thành hoàng mà họ phụng thờ. Có thể kể tới nhiều bản thần tích đã kể lại việc các vị thần báo mộng cho vua chúa để chỉ rõ điềm lành, điều dữ hoặc là hiển linh âm phù để giúp triều đình dẹp giặc, trừ họa. Không chỉ thời chiến tranh, thời bình thì việc mong muốn đất nước phồn thịnh, vận nước dài lâu, ngai vàng của vua bền vững thì vẫn phải cậy nhờ đến thần linh giúp đỡ và thần tích ra đời từ đó.
Hữu Trưởng