Tìm hiểu một vài nét về lễ hội phường Bồ Đề
Lễ hội làng Bồ Đề: Là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội do cấp phường tổ chức, cấp quận quản lý để tưởng niệm đức Cao Sơn, Nàng Càn Mỹ Nương, Dung Hoa.
Xưa kia, làng Bồ Đề có hai cây bồ đề nbgang với tháp Báo Thiên ở phía kinh thành Thăng Long. Năm 1427, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt bản doanh tại Bồ Đề, lập các tầng lầu cao trên hai cây số bồ đề để quan sát giặc Minh đang bị vây trong thành Đông Quan. Sau khi chiến thắng, Lê Lợi còn đặt trình đình nhà Lê ở đây một thời gian rồi mới về thành cũ.
Hội làng Bồ Đề có trò vui nổi tiếng là đua thuyền, bơi lội, đánh đu.
Lễ hội đình Lâm Du: là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức ngày 10 tháng 2 âm lịch tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Lễ hội đình Lâm Du thờ Đức thánh Linh Lang đại vương có tên là Hoằng Chân- là con trai thứ tư của Lý Thánh Tông và cung phi thứ chin Hạo Nương. Khi có giặc ngoại xâm, hoàng tử Hoằng Chân có công hai lần đánh tan giặc Tống (năm 1075 -1077), mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc thời Lý. Khi ông mất, để tưởng nhớ ơn, vua Lý Nhân Tông đã ban sắc phong là Linh Lang đại vương và thờ tại 269 làng của cả nước, trong đó có Lâm Du. Lễ hội được tổ chức tưởng niệm: Linh Lang, Uy Vũ, Tiên Phi.
Phần lễ là tế, rước còn phần hội biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian.
Lề hội đền Ghềnh: là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày 6 đến 12 tháng 8 âm lịch tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đền Ghềnh có tên khác Thiên Quang linh từ thờ ba nữ thần là Liễu Hạnh, La Bình, Ngọc Hân.
Vị thần thứ nhất Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, giáng trần giúp dân an cư lạc nghiệp, diệt trừ ma quái, được dân gian tôn là một vị thần trong tứ bất tử.
Vị tần thứ hai là La Bình con gái thần Tản Viên - được thượng đế phong làm công chúa thượng ngàn, cai quản 81 cửa rừng cõi Nam Giao.
Vị thần thứ ba là Ngọc Hân là vợ Quang Trung. Trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long gọi là “chúa tiên” bởi dung nhan xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đủ tài xuất chúng. Sau khi bà mất hài cốt chôn tại làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) bị triều đình Huế quật lên đổ xuống sông Hồng thuộc địa phận làng Ái Mộ. Dân Ái Mộ lập miếu thờ bà.
Nghi lễ quan trọng của lễ hội đền Ghềnh là lễ rước nước. Nhân dân trước khi đi hội giỗ Đức Thánh Trần ở Kiếp Bạc thường qua đền Ghềnh để trình các Thánh. Lễ rước nước tại đây không chỉ thể hiện mong muốn cho mùa màng bội thu còn có ý nghĩa như gột rửa nỗi đau, nỗi oan khiến cho Hoàng hậu Ngọc Hân cùng hai con của bà.
Sáng ngày 3 dân làng Ái Mộ làm lễ rước nước từ sông Hồng về đền. Sáng ngày 6 là chính hội có lễ tước kiệu. Đi đầu đám rước là đội cờ phướn, trống, phường bát âm, rồi đến kiệu long đình và kiệu võng. Đi sau là các bô lão và dân làng cùng khách thập phương. Việc không thể thiếu trong các nghi thức của hội đền Ghềnh là việc đi thuyền lớn ra giữa sông Hồng, hương khói cho mẹ con nàng Ngọc Hân rồi rải tro giấy vàng xuống sông.
Ngày 7 - 8, phần đặc sắc nhất là 5 người đóng 5 ông quan Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đệ Tứ, Đệ Ngũ ngồi trước của Đền. Buổi chiều dân làng làm lễ tạ. Buổi tối có hát văn ca ngợi Thánh Mẫu, vua Quang Trung và nỗi lòng bi thương Công chúa Ngọc Hân dựa vào bài thơ “Ai tư vãn” nổi tiếng.
Qua đây ta có thể thấy lễ hội của phường Bồ Đề khá phong phú gắn với truyền thuyết được nhân dân lưu giữ bao đời nay. Tuy nhiên các giá trị văn hóa này tiếp tục phải được bảo tồn để tránh bị mai một. Hy vọng cuốn sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội của PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên cũng sẽ là một trong nhiều tài liệu lưu giữ và phổ biến sâu rộng đến nhân dân Hà Nội nói chung và nhân nhân phường Bồ Đề quận Long Biên nói riêng.
Đặng Tình