Ngô Trân - một trong “Thăng Long thất hổ”
Ngô Trân có tên tự là Khiêm Văn, tên hiệu là Đan Nhạc, quê xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông nổi tiếng uyên bác, kết bạn với 6 người có tài văn chương, được gọi là “Thăng Long thất hổ” (không rõ họ tên 6 người kia).
Năm 36 tuổi, ông thi đỗ Hương cống khoa Ất Mão (1715) đời vua Lê Dụ Tông. Trên 70 tuổi, ông còn dự thi khoa Hoành từ, được coi là ưu lão. Ông làm quan trong triều đình Lê - Trịnh chức Đại lý tự khanh, sống thanh bần, có khí tiết, được người đương thời hết sức trọng vọng. Ông có mở trường dạy học, đào tạo được nhiều học trò thành đạt. Ngô Trân là ông nội của Ngô Thì Sĩ, người có sức ảnh hưởng lớn tới chí hướng của Thì Sĩ.
Ông sống thanh bần, có khí tiết được sĩ phu trọng vọng. Tuổi 80 ông vẫn còn dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Bài thơ tự thuật của ông làm lúc 80 tuổi trước khi từ trần, nói lên tâm hồn, đạo đức ông:
"Bát tuần cáp tự thủy sinh nhi,
Nhất phiến đan tâm xích tử thì.
Kiện thuận ngũ thường tuần ngã tính,
Nhiệm tha ngôn trí dữ ngôn si".
Bản dịch:
Tám mươi lại hóa nhi đồng,
Lòng son như trẻ lọt lòng mới sinh.
Cương thường vẹn giữ tính mình,
Rằng khôn rằng dại mặc tình khen chê.
Năm Canh Thìn (1760) cụ Ngô Trân mất, thọ 81 tuổi. Ông để lại các tác phẩm chính: Tính mệnh đạo giáo từ chân, Huấn mông tập.
Ánh Ngọc