Thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù của chính quyền thuộc địa ở Hà Nội như thế nào?
Khi thực dân Pháp vào xâm lược nước ta chúng biết rằng nhân dân ta sẽ chống cự lại chúng một cách mạnh mẽ chính vì vậy việc cần thiết của xây dựng nhà tù lúc này rất cấp bách. Năm 1896, người Pháp đã khởi công xây dựng nhà tù Hỏa Lò (Maison centrale) trên địa phận thôn Phụ Khánh, Hà Nội. Trước khi xây dựng nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp giam giữ những tù nhân trong một dãy nhà ở phố Mã Mây. Tuy nhiên khu nhà thuê ở phố Mã Mây chật chội, mất vệ sinh nên nhiều tù nhân bị chết. Trước khi xây nhà tù ở thôn Phụ Khánh, người Pháp định xây nhà tù ở phố Hàng Dầu. Nhà tù Hỏa Lò xây đến năm 1899, tuy chưa hoàn thành nhưng đã được đưa vào sử dụng. Nhà tù này còn có tên gọi khác là Nhà Đá, vì bốn bức tường xung quanh cao 5,1 mét đều làm bằng đá tảng màu xanh. Bên ngoài chỉ thấy tường cao chăng dây điện. Có 4 vọng gác có chấn song sắt. Nhà tù chỉ có một cửa ra vào. Khi cánh cửa sắt nặng nề mở ra, người ở bên ngoài nhìn vào thấy sâu hun hút và bí hiểm. Từ bên ngoài nhà tù đi vào trong sân phải đi qua 5 lần cổng sắt kiên cố. Trong nhà tù có phòng để máy chém. Nhà tù có 3 máy chém đưa từ Pháp sang: 2 cái to và một cái nhỏ. Máy chém to để cố định, còn máy chém nhỏ để lưu động. Nhà tù được xây dựng rất kiên cố nên phạm nhân khó mà vượt ngục được. Tuy nhiên, vẫn có một số phạm nhân tổ chức vượt ngục thành công. Vụ thứ nhất diễn ra vào đêm Noёl năm 1932, một nhóm tù cộng sản, trong đó có Nguyễn Tạo đã giả bị ốm. Họ được đưa đến nhà thương Phủ Doãn để khám. Tại đây họ đã trốn thoát khỏi nhà thương. Vụ thứ hai diễn ra vào năm 1942. Phạm nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù qua cửa cống ngầm từ sân Hỏa Lò ra mặt đường phố.
Đây là nơi thực dân Pháp giam giữ, tra tấn và giết hại nhiều người Việt Nam yêu nước. Những người tù chính trị bị cho là nguy hiểm sẽ bị giam vào xà lim, và tù nhân “đặc biệt nguy hiểm” sẽ bị nhốt trong ngục tối. Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi tạm giam các bị can khắp các tỉnh thuộc ở Bắc Kỳ, chứ không riêng gì ở Hà Nội. Trên tinh thần đó, nhà tù Hoả Lò còn như một trạm trung chuyển trong toàn bộ hệ thống nhà tù toàn Liên bang Đông Dương của thực dân Pháp. Mỗi khi thi thành bản án tử hình, họ đưa máy chém ra đặt ngay trước cổng nhà tù để hành hình phạm nhân. Người đao phủ cuối cùng thời Pháp thuộc là Cai Công. Nhà tù Hỏa Lò là nơi ghi đậm tội ác của thực dân Pháp. Nhà tù cũng là nơi chứng minh tấm lòng yêu nước của những người con trung kiên như Hoàng Trọng Mậu, Lương Văn Can, Nguyễn Khắc Cần và Phan Bội Châu, Hoàng Văn Thụ.
Qua đây chúng ta thấy được sự dã man tàn bạo của chế độ thực dân phong kiến là vô cùng tàn bạo chúng xây dựng nhà tù nhiều hơn trường học chỉ nhằm mục đích dàn áp lại sự chống cự của nhân dân ta. Những hình thức tra tấn thì tàn bạo chúng muốn phô trương tất cả những nhà tù và cực hính này nhằm làm nhụt ý chí đấu tranh của nhân dân ta. Nhưng âm mưu đó cũng chúng đã không thể thực hiện được ở một dân tộc kiên cường như nước ta chúng càng đàn áp dã man nhân dân ta càng căm thù chúng càng đấu tranh mạnh mẽ hơn, mang hết sức người sức của để chiến đấu với một mục tiêu cao cả độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Chính nhờ sự kiên cường gan dạ đó đất nước ta dân tộc ta đã giành được độc lập gắn với những thắng lọi vẻ vang như cách mạng tháng Tám 1945, trận Điện Biên Phủ năm 1954 và cuối cùng là sự kiện lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Như di tích nhà tù Hỏa Lò vẫn còn để ghi dấu lại những sự tàn ác của kẻ xâm lược và ý chí đấu tranh của những người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam. Cả dân tộc ta,cả nhân dân ta đời đời khắc ghi những chiến công lẫy lừng và sự hy sinh mất mát lớn lao của các anh với non sông đất nước tươi đẹp của chúng ta.
Lê Sơn