Tính dân chủ trong tộc ước, gia quy
Những bản tộc ước, gia quy sau khi được các nhà nho khởi thảo đều phải được các thành viên trong họ tộc, hoặc ít nhất là các bậc gia trưởng của các gia đình hạt nhân trong toàn tộc mang tính đại diện thông qua. Điều này được ghi chép khá rõ ràng trong những lời tựa, bạt, hoặc chính trong nội dung các điều khoản của tộc ước, gia quy. Điều thứ 16 trong Tộc ước họ Nguyễn làng Đông Tác, huyện Thọ Xương (nay thuộc phố Đông Tác, phường Trung Tự, quận Đống Đa) viết:
“Tất cả các điều lệ trên đã được cả họ cùng ký kết, rồi giao cho trưởng của mỗi chi một bản, đồng thời giữ một bản sao gia phả để đối chiếu.”
Điều thứ 20 Tộc ước họ Vũ Công xã Hải Bối, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc làng Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh) cũng viết:
“Tất cả các điều khoản của họ trên đây đã được cả họ cùng tham gia bàn liệu lập thành, mọi người trong họ đều nhất trí và cùng thực hiện.”
Lời kết Tộc ước họ Bùi thôn Đông Ấp, xã Thịnh Liệt, tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cũng viết:
“Hai mươi lăm điều khoản trên đây, cả họ đã họp bàn cân nhắc, mọi người trong họ phải nghiêm chỉnh tuân theo. Nếu có điều gì không hợp đã có phép vua trị phạt.”
Như vậy việc văn bản trở thành có hiệu lực không phải bằng quyền uy của trưởng tộc, mà bằng sự nhất trí thông qua một cách tương đối dân chủ theo tinh thần của công xã.
Mai Thu