Văn hóa ẩm thực phong phú đất Thăng Long-Kẻ Chợ
Văn hóa ẩm thực của Thăng Long-Kẻ Chợ thời Lê-Trịnh khá phong phú và đặc sắc. Cách du khách phương Tây đến Kẻ Chợ đều khen các món ăn kinh kỳ là ngon và sạch. Họ cũng chú ý nhiều đến những món ăn dân dã độc đáo có phần lạ lẫm đối với người phương Tây như các loại nước mắm, mắm tôm, cá gỏi, thịt chó và cả châu chấu. Cái đặc sắc của các món ăn Kẻ Chợ là cách chế biến mang tính tổng hợp, có phần cầu kỳ, kén chọn, mùi vị bổ sung và hấp dẫn ngon miệng, số lượng không nhiều nhưng chất lượng tinh xảo. Kẻ Chợ nổi tiếng với các món cỗ nấu, thức ăn đặc sản và các loại quà, bánh. Thịt bò tái Mai Động và Cầu Dền, cá, ốc hồ Tây, Đầm Sét, các loại bún Tứ Kỳ, Phú Đô được chế biến thành các món được nhiều người ưa thích.
Trong các đặc sản còn phải kể đến các loại rượu sen, rượu cúc ở các làng Mơ, làng Thụy, làng Võng, các loại trà uống Lương Quy, bánh phục linh Hàng Đường dùng để tiến vua, bánh cuốn Thanh Trì, cốm Vòng… Phong cách ăn uống của người Đàng Ngoài nói chung và Thăng Long-Kẻ Chợ nói riêng, đặc biệt trong những bữa cổ tiệc đông người, đã mang tính chất khá độc đáo, với một tác phong kiểu cách đậm nghi thức, quy phạm. Uống trà, ăn trầu, hút thuốc không những là những thú vui thanh tao trong nghệ thuật ẩm thực, mà còn là những phương tiện hữu hiệu trong ứng xử, giao tiếp của con người Kẻ Chợ. Những thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ và đội ngũ biên tập cung cấp cho bạn đọc trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng” do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành.
Hữu Trưởng