Thời cơ giải phóng Hà Nội lần thứ 2 lại bị bỏ lỡ đáng tiếc
Với chiến thắng Cầu Giấy năm 1883, quân Pháp run sợ không dám ngoài thành chiến đấu. Trong khi ấy, tình hình quân Pháp ở thành Hà Nội lần thứ 2 nguy cấp chưa từng thấy. Họ bị lở loét, sốt và bệnh kiết lỵ hoành hành, nên nhiều người bị mất khả năng chiến đấu. Hai đạo quân Sơn Tây và Bắc Ninh, quân Cờ đen và những dân binh tiếp tục siết chặt vòng vây quanh Hà Nội.
Người Pháp cho rằng, nếu các đội quân này cùng phối hợp tấn công thì chắc chắn quân Pháp sẽ bị đánh bật ra khỏi Hà Nội. Thế nhưng, một lần nữa cơ hội giải phóng Hà Nội đã bị bỏ lỡ đáng tiếc. Trong cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại”, PGS.TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS Trần Viết Nghĩa cho rằng, đó là do thái độ của vua Tự Đức sau chiến thắng Cầu Giấy không thay đổi, vẫn nhất mực theo đuổi chính sách hòa đàm, và không cho quan quân tấn công vào Hà Nội. Để làm vừa lòng quân Pháp, ông ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm đuổi ngay đội quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc lên mạn ngược, giải tán các đội dũng binh ở các tỉnh. Nhờ đó, quân Pháp được nới lỏng vòng vây ở Hà Nội. Triều đình Huế cũng làm ngơ cho các tàu chiến Pháp được tự do đi lại trên sông để điều tra, dò xét và lệnh cho Trần Đình Túc ở lại Hà Nội để tiếp tục thương thuyết.
Thu Hương