Quân dân Hà Nội đoàn kết chống thực dân Pháp
Trong cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại”, PGS.TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS Trần Viết Nghĩa đã thể hiện điều này rất rõ ràng. 2 nhà nghiên cứu miêu tả, trong khi nhiều quan binh từ Hà Nội tìm đường lên Sơn Tây để gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, thì một số người vẫn ở lại bám sát và đánh địch tại chỗ. Tú tài Phạm Lý đã tập hợp những dân binh trong huyện Thọ Xuyên ra sức đánh giặc, nhưng nhanh chóng bị quân Pháp đàn áp. Tổ chức Nghĩa Hội ở Hà Nội được thành lập. Tổ chức này đã bí mật tập hợp những nhà Nho, người lao động, thợ thủ công và thương nhân chuyên lo việc thu thập tin tức của quân Pháp để thông báo cho quan quân triều đình ở bên ngoài, phá kho tàng của địch và trấn áp những kẻ bán nước. Không chỉ có quân dân Hà Nội, nhiều văn thân, sĩ phu ở Bắc Kỳ đã đứng lên tổ chức và lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp. Tiêu biểu như Nguyễn Mậu Kiến ở Thái Bình đã cùng hai con trai là Nguyễn Hữu Bản và Nguyễn Hữu Cương xây dựng một đội nghĩa quân đông tới hàng nghìn người. Khi giặc Pháp đánh thành Nam Định, hai con trai ông đã đưa quân vượt sông Hồng sang Nam Định chiến đấu. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đã xây dựng căn cứ chống Pháp ở vùng núi An Hòa (Ý Yên, Nam Định). Sự bùng phát mạnh mẽ của phòng trào kháng chiến ở Bắc Kỳ đã làm quân Pháp phải điều quan từ Hà Nội đi chi viện cho những nơi mới chiếm được và những nơi đang có chiến sự. Lực lượng của Pháp bị dàn mỏng.
Thu Hương