Các tuyến cao tốc đã thay đổi tài nguyên vị thế của Hà Nội thế nào?
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở nước ta đã được hiện đại hóa nhanh, nhất là tại Hà Nội. Trong cuốn sách “Địa lý Hà Nội”, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh đánh giá, việc xây dựng và đưa vào hoạt động đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai để kết nối với cao tốc Hà Khẩu-Côn Minh phía Trung Quốc đã làm tăng vị thế địa kinh tế của Hà Nội. Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nối Thủ đô với cảng Đình Vũ sau khi đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian cho các phương tiện, trong đó có loại xe siêu trường, siêu trọng, hành lang kinh tế Vân Nam-Hà Nội-Hải Phòng trở thành hiện thực.
Nhờ các tuyến đường này, Hà Nội có thể mở rộng tốt hơn vùng nguyên liệu và vùng tiêu thụ sản phẩm, nhất là cho các nguyên liệu và sản phẩm cần thiết để xuất khẩu. Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai cùng với sân bay Quốc tế Nội Bài đang được hiện đại hóa đã tạo động lực cho phát triển thị trấn Sóc Sơn như một đô thị vệ tinh. Một số tuyến cao tốc khác như Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lạng Sơn, Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, đại lộ Thăng Long đều tăng thêm khả năng liên kết vùng của Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận, tạo cơ sở vật chất quan trọng cho sự phát triển vùng đô thị Hà Nội.
Hữu Trưởng