Thăng Long nói không với nạn trộm cướp thời Mạc
Nhà Mạc thay nhà Lê sơ, kiểm soát kinh thành Thăng Long trong 65 năm, nhìn chung đã có một thái độ khoan dung, thông thoáng, một chính sách thực tế và thực dụng đối với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa của đô thành. Trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ đã phân tích, sở dĩ thời này có chính sách thông thoáng bởi bản thân Mạc Đăng Dung xuất thân từ tầng lớp thường dân, ít bị ràng buộc bởi những giáo điều chính thống khắt khe. Thời gian đầu, các vua Mạc ít chú ý đến Thăng Long bởi không có ý định đặt kinh đô tại đây, do đó đối với sự kiểm soát đời sống kinh tế dân chúng ở đô thành này đã được nới lỏng.
Mặt khác trong suốt thời gian cầm quyền nhà Mạc đã tập trung vào công cuộc binh đao, rèn đúc vũ khí, trong thời gian sau lại thêm xây đắp thành lũy. Tình hình đó đã làm giảm thiểu sự hạn chế và ngược lại đã khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa Thăng Long-Kẻ Chợ, ổn định đời sống nhân dân. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về… Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên.
Hữu Trưởng