Thi sĩ Tản Đà trong lòng các nhà văn, nhà thơ
Tản Đà được biết đến là một nhà thơ lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại. Trong cuốn sách “Biên niên sử phong trào thơ mới Hà Nội” tập 2, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã mang đến cho bạn đọc hiểu hơn về thi sĩ Tản Đà trong lòng các nhà văn, nhà thơ. Nhà văn Lê Tràng Kiều đánh giá, Tản Đà là người giàu thơ, nhưng không giàu tiền, nghèo túng nhưng lúc nào cũng chan chứa lòng ham vui. Với Lưu Trọng Lư, Tản Đà là một người đã phải chịu muôn điều khổ, nhưng lại có sự hào phóng của một thiên sứ.
Nhà thơ Xuân Diệu đánh giá Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người can đảm, làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám có một cái “tôi” trong thơ. Nhà văn Khái Hưng thì lại cho bạn đọc biết Tản Đà là người thích gà. Tuy nhiên, ông không biết Tản Đà thích ăn thịt gà hơn hay thích tính tình dịu dàng nhút nhát của loài gà hơn. Trong suy nghĩ của nhà văn Trương Tửu, thi sĩ Tản Đà là một thiên tài. Ở một người mà kỹ thuật sống và kỹ thuật làm thơ được trau dồi với một chút ý tinh tế ngang nhau, ít nhất cái tài và cái tình cũng được hóa hợp thành một nguyên thể thông thường.
Hữu Trưởng