Nhịp điệu tiết tấu tạo nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết “Giông tố”
Trong diễn tiến cốt truyện Giông tố, người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi những biến cố, sự kiện dồn dập, chồng chất thậm chí náo loạn. Nếu nhìn từ góc độ lời văn nghệ thuật cũng sẽ thấy chính nó góp phần tạo nên sắc thái nhịp điệu tiểu thuyết: những cụm từ biểu thị tính tức thì của sự kiện, hành vi và tâm trạng con người được dồn nén đến mức tối đa (vừa lúc nãy, giữa lúc ấy, giữa cái lúc, ngay lúc đó, ngay lúc ấy, chợt thấy, bỗng, chợt, thốt nhiên, bất ngờ). Những cụm từ ấy thể hiện những tình huống hiện sinh của đời sống.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” đã dẫn chứng, ở đầu tiểu thuyết, nhà văn tả cái cảnh xe của Nghị Hách đang chạy bỗng dần dần chậm lại, rồi đứng hẳn. Chữ “bỗng” ở đây về hình thức chỉ cái ngẫu nhiên (ngẫu nhiên xe hỏng) nhưng từ cái ngẫu nhiên đó mà làm phát lộ cái tất nhiên (vì thế mà Nghị Hách gặp thị Mịch, vì thế mà có chuyện cưỡng bức). Sự việc thị Mịch bị Nghị Hách cưỡng bức xảy ra như một tia chớp, dù cho việc này nhiều khi cần phải có thời gian. Khi có người ngăn xe của Nghị Hách để giải quyết sự cố thì Nghị Hách ra lệnh cho lái xe đâm thẳng “thế là chiếc xe hơi cứ nhắm cái bóng người đứng dang tay mà đâm thẳng, theo cái tốc lực sáu mươi cây số một giờ”. Những từ lôi, nhấc, đẩy, sập, đâm.. khiến cho câu văn có độ căng, gấp gáp phù hợp với diễn tiến của câu chuyện hấp đáp người khác của những kẻ “mạnh vì gạo bạo vì tiền”.
Thu Hương