Truyện ngắn của Thạch Lam hài hòa giữa bầu không khí bao quanh nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên
Dẫn chứng cho điều này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” đã lấy truyện “Nhà mẹ Lê” và nhiều truyện ngắn khác để phân tích. Trong cơn mê sảng gần kề cái chết, mẹ Lê vẫn “nhớ lại cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc xát vào da thịt”, hay “một cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai. Tâm ngẩng đầu lên nhìn, chagf vừa đi vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ” (Trở về). Tác phẩm của Thạch Lam gây cho ta cái cảm giác được tắm trong sự yên tĩnh, thư thái và căn bằng giữa thiên nhiên tươi xanh, trong lành. Cuộc mưu sinh vất vả mà mỗi con người gánh trên vai bỗng vợi nhẹ đi khi hòa mình với thiên nhiên. Con người cần sự cân bằng tâm thế, điều đó có thể tìm lại được sự giao hòa trong thiên nhiên. Dường như thiên nhiên, cảnh trí, bầu không khí bao quanh nhân vật với đủ màu sắc, mùi vị, âm thanh đã tạo nên sự cân đối, hài hòa trong tác phẩm Thạch Lam. Sự hài hòa ấy là điểm tựa của con người, giữa nó với thế giới được nối bằng sợi dây bền chặt của mối giao hòa tuyệt vời, vô hình đấy mà hữu hiệu.
Thu Hương