Tình đời trong văn chương Thanh Châu
Cũng như các nhà văn lãng mạn cùng thời, Thanh Châu nghiêng về tái hiện những vẻ đẹp của đời thường, con người bình dị trong muôn vàn dây dợ éo le của nó. Nói cách khác là nhà văn chú tâm phát hiện những vẻ đẹp khuất lấp của cuộc đời và coi đây là nhiệm vụ vừa cao cả vừa khó khăn đối với người nghệ sĩ ngôn từ. Cái tình đời đằm thắm của nhà văn rưng rưng trên từng câu chữ trong truyện “Những ngôi sao rụng” chẳng hạn, là một ví dụ tiêu biểu trong văn Thanh Châu. Cơn giông cũng là một truyện đắm đuối tình người (đứa cháu kể về cô của mình, người được yêu hơn là mẹ đẻ của mình). Nhà văn như nghẹn ngào cùng với nhân vật: “Tôi đã hiểu, đã biết thương cô, thì cô đã không còn. Biết làm sao tạ lỗi với người được nữa? Tình cảm của chúng ta đến với chúng ta thật chậm. Hình như ở ngoài chúng ta quả tim là kẻ thức giấc sau cùng”. Chữ trong tay nhà văn Thanh Châu khi đọc thoạt tiên có vẻ hiền từ, nho nhã nhưng càng đọc càng thấy câu thúc, gấp gáp, khắc khoải bởi nhịp điệu. Đôi lúc câu văn như là một cú thở dốc, đến nghèn nghẹn, vì quá xúc động của tác giả.
Thu Hương