Thạch Lam với khả năng truyền đạt chính xác cảm xúc của con người
Đây là tố chất có tính bẩm sinh của nhà văn như ông từng xác nhận: “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không, chứ không có thể học tập mà thành được. Muốn cố sức tìm hiểu thế nào cũng không bằng cái trực giác nhiệm màu của nghệ sĩ”. Với nhận định này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” đã chứng minh bằng những lý lẽ thuyết phục. Theo Bùi Việt Thắng, chúng ta thấy văn của Thạch Lam tựa hẳn vào cảm giác mà thành. Nhân vật của ông nhận biết thế giới xung quanh và giao hòa với tâm hồn người khác chủ yếu nhờ cảm giác, thông qua cảm giác. Nhân đọc lại Thạch Lam, người đọc nhớ đến Pautốpxki (Nga), Hêminguê (Mỹ), Moroa (Pháp)… những bậc thầy truyện ngắn mà sức mạnh của ngòi bút chính nhờ vào trực giác. Đọc truyện ngắn Thạch Lam, thầy tần số chữ “cảm giác” xuất hiện cao. Chính nhờ cái cảm giác mà nhà văn tạo nhịp cầu nối những tâm hồn đồng điệu, chia sẻ. Những cảm giác ấy tạo nên chất men đặc biệt trong văn Thạch Lam: say mà tỉnh, ảo mà thực, liên tục mà đứt đoạn, rõ ràng mà mơ hồ…
Thu Hương