Nguồn gốc của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”
Sau khi trắng trợn phá hoại Hiệp định Geneva, đế quốc Mỹ đem quân xâm lược miền nam Việt Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá hòng hủy diệt miền bắc xã hội chủ nghĩa. Ðộc lập, thống nhất Tổ quốc một lần nữa đứng trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Miền bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn của chiến trường miền nam. Phụ nữ Việt Nam hơn ai hết, nhận thức sâu sắc: thân thế, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình gắn liền với vận mệnh đất nước.
Theo cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long-Hà Nội” do PGS. TS Phan Phương Thảo làm chủ biên, hưởng ứng phong trào đó giữa tháng 3-1965 phụ nữ Đan Phượng họp hội nghị ban chấp hành mở rộng với 130 nữ đảng viên toàn huyện để quán triệt tình hình và nhiệm vụ thực hiện ba nhiệm vụ trước mắt, gồm: Gánh vác thêm phần việc lao động của chồng con, anh em nhằm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất ở địa phương; Khuyến khích chồng, con gia nhập bộ đội, hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu; Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu giết giặc. Ba nội dung trên được Hội Phụ nữ Việt Nam cải biến phát động trong cả nước thành phong trào “Ba đảm nhiệm” sau đổi thành phong trào “Ba đảm đang”. Đan Phượng kể từ đó được gọi với danh xưng “quê hương gái đảm” là vì thế.
Hữu Trưởng