Sự tích về “vua cày ruộng” thứ hai của triều đình phong kiến Việt Nam
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vua Lê Đại Hành được biết đến là vị hoàng đế đầu tiên đích thân cày tịch điền, thể hiện sự quan tâm của triều đình với phong trào khuyến nông, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Mùa xuân năm 987 vua Lê Đại Hành lần đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ bạc nhỏ, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân. Đây là lễ Tịch điền đầu tiên mà một vị vua Việt Nam thân hành đi cày được sử sách ghi nhận lại.
Theo cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long-Hà Nội” phần bổ sung do PGS. TS Phan Phương Thảo làm chủ biên, Lý Thái Tông là vị vua thứ hai trong thời đại phong kiến Việt Nam tiếp nối truyền thống cày tịch điền. Theo đó, vua Lý Thái Tông đích thân đến Tín Hương ở Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai-Hà Nội) cày ruộng tịch điền năm 1032. Có người dân dâng lên một cây lúa chiêm hạ, một nhánh có 9 bông thóc. Nhà vua bèn xuống chiếu đổi tiên ruộng ấy là ruộng Ứng thiên. Nhờ sự tài giỏi của vua Lý Thái Tông, đất nước thời đó phát triển thịnh vượng ngoài nông nghiệp thì giáo dục-thi cử rất được triều đình chú trọng.
Hữu Trưởng