Làng lụa Vạn Phúc xưa và nay
Cùng với La Khê, La Cả và một số làng khác, Vạn Phúc đã góp phần quan trọng làm nên quê lụa ở cửa ngõ phía tây Thủ đô Hà Nội. Bởi thế dân gian có câu: The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên. Nhằm giúp bạn đọc có thêm cái nhìn về làng lụa Vạn Phúc xưa và nay, TS Lưu Minh Trị, cùng nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát, thu thập tư liệu, đánh giá và đưa ra những nhận định trong cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 2.
Trước cách mạng tháng Tám, dệt chính là nghề tạo ra nguồn thu chính của cư dân Vạn phúc. Từ năm 1931 đến 1939 là thời kỳ nghề dệt Vạn Phúc làm ăn phát đạt. Hằng năm, có tới 3.000 lao động ở các địa phương khác đến học nghề và làm thợ ở Vạn Phúc. Từ hòa bình lập lại, trong khi các làng nghề khác suy giảm thì Vạn Phúc vẫn phát triển với sự ra đời của hợp tác xã thủ công Vạn Phúc, xí nghiệp dệt lụa Vạn Phúc. Hiện nay, xí nghiệp có 1.200 công nhân với 115 khung dệt chạy điện. Tổng sản lượng sản xuất hàng năm trung bình từ 300.000m đến 350.000m gồm các loại từ nguyên liệu tơ tằm. Hiện nay, hầu hết các hộ làm nghề Vạn Phúc đã chuyển từ dệt khung cửi sang dệt máy. Vạn Phúc hiện có trên 1.000 máy dệt, hàng năm cung cấp từ 2,5 đến 3 triệu mét vải lụa các loại cho thị trường… Lụa Vạn Phúc đã trở thành sản phẩm văn hóa, được coi là biểu tượng của cái đẹp, mang giá trị bản sắc dân tộc.
Hữu Trưởng