Nguyễn Trí Huân, người bình thường có những tác phẩm khác thường
Những người chơi, gắn bó với nhà văn Nguyễn Trí Huân thường nhận xét, ông là người thật thà đến mức nhạt nhẽo, đôi khi tức anh ách vì tính khí ngập ngừng, không ráo riết. Trong suy nghĩ của nhà văn này, ông chỉ là một người bình thường, làm một công việc bình thường như bao người khác dù nhiều năm giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những tác phẩm của Nguyễn Trí Huân thường mang một phong cách khác lạ, mới mẻ so với các nhà văn đương thời. Trong đó, có thể kể tới tác phẩm: Mặt cát, Cập bến, Họ đã sống như thể, Chim én bay…
Trong cuốn sách “Tuyển tập ký-tản văn xứ Đoài”, Bằng Việt đã giới thiệu cho bạn đọc hai tác phẩm độc đáo nhất của Nguyễn Trí Huân là “Mặt cát” và “Cập bến”. “Mặt cát” là tác phẩm được tác giả ghi chép lại những điều mắt thấy, tai nghe, những câu chuyện cảm động về Hoài Nhơn-một xã anh hùng trong thời chiến. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trí Huân kể về câu chuyện cảm động giữa chính trị viên Bắc và y tá Độ. Bắc bị thương ở mắt trong một lần đánh địch nhưng không muốn làm phiền mọi người, nhất quyết không chịu đi bệnh viện. Hằng ngày, Bắc tập những bài tập thị giác để nhanh chóng hồi phục, anh từ chối thuốc của người dân trong làng gửi vì cho rằng “không giúp được dân thì thôi lại còn lấy”…Tác phẩm “Cập bến” là thể loại bút ký mà Nguyễn Trí Huân miêu tả sự sung sướng, háo hức khi năm ngàn anh chị em tù chính trị Côn Đảo đã được giải phóng mà không phải dùng tới máy bay, tàu chiến như dự định. Tuy nhiên, tác giả thể hiện sự ngơ ngẩn tiếc vì một cuộc trừng phạt đích đáng đã không được diễn ra với bọn chúa đảo…
Hữu Trưởng